banner
Thứ 7, ngày 27 tháng 4 năm 2024
public Liên kết website

 

Đôi nét về các cơ sở tín ngưỡng trên địa bàn tỉnh Kon Tum
24-4-2020

Cùng với sự di canh, di cư, xây dựng kinh tế mới của người dân, bên cạnh các cơ sở tôn giáo, các cơ sở tín ngưỡng trên địa bàn tỉnh dần được hình thành đáp ứng nhu cầu tâm linh của nhân dân trên địa bàn.

Theo phong tục, tập quán của người Kinh ở vùng đồng bằng, mỗi khi khai khẩn, lập làng mới để an cư, lập nghiệp thì việc đầu tiên người dân quan tâm nhất đó là phải xây dựng đình làng để thờ thần hoàng bản xứ, cầu mong cho chư thần phù hộ được bình an trước rừng thiêng, nước độc, thú dữ, bệnh tật… Do đó, từ các vùng đồng bằng ở các tỉnh Bình Định, Quảng Ngãi, Thừa Thiên - Huế… lên “vùng đất hứa Kon Tum” lập nghiệp, cùng với những làng quê mới được hình thành, những mái đình cũng được nhân dân xây dựng lên. Theo dấu tích thời gian, những mái đình như Trung Lương, Võ Lâm, Lương Khế… đã trở thành điều giản dị, gắn liền với những làng cổ ở Kon Tum, góp phần quan trọng vào việc hình thành nên thành phố Kon Tum ngày nay.

Đình Trung Lương (đường Phan Đình Phùng, phường Quyết Thắng, thành phố Kon Tum) có trên 140 năm lịch sử, là ngôi đình xuất hiện đầu tiên ở Kon Tum. Sự xuất hiện của ngôi đình này gắn liền với ngôi làng cổ Trung Lương. Theo lời kể của các vị tiền nhân cho biết: Năm 1879, nhiều người ở Bình Định lên Kon Tum lập nghiệp, để có nơi sinh hoạt chung, thờ thần hoàng bản xứ, họ bắt đầu xây dựng ngôi đình Trung Lương bằng tranh, tre, nứa, lá… đến năm 1917, với sự đóng góp của bà con, đình làng Trung Lương được xây dựng lại bằng gạch, ngói khang trang.

Đình Trung Lương

Không chỉ có giá trị về văn hóa và tâm linh, đình Trung Lương còn lưu giữ những hiện vật mang giá trị về lịch sử và văn hóa có hàng trăm năm tuổi như: chiếc mõ gỗ có từ năm 1879, 1 giá để chiêng, 1 tấm hoành phi và 2 giá bát bộ khoảng 100 năm tuổi…

Đình Lương Khế (đường Trần Phú, phường Thống Nhất, thành phố Kon Tum) đến nay cũng đã có trên 100 năm tuổi, đây là ngôi đình thứ hai trên mảnh đất Kon Tum. Theo lời kể của các vị cao niên ở đây và một số tài liệu lưu giữ tại đình Lương Khế, cư dân đầu tiên của làng có mặt ở Kon Tum vào giữa năm 1894. Họ đến từ Phủ Bình Khê và Phù Mỹ (tỉnh Bình Định) theo Quốc lộ 19 vượt đèo An Khê, đèo Mang Giang (tỉnh Gia Lai) đến khai khẩn, lập làng mới Lương Khế. Ban đầu, người dân chỉ xây dựng như một ngôi miếu nhỏ để thờ thần linh, cầu mong cho chư thần phù hộ được bình an trước rừng thiêng, nước độc, đến năm 1913, dân làng đã góp sức xây dựng nên đình Lương Khế để thờ cúng thành Hoàng Làng, thờ vua Hùng và thờ các bậc tiền hiền thủy tổ.

Đình Lương Khế

Đình Võ Lâm (đường Mạc Đĩnh Chi, phường Quang Trung, thành phố Kon Tum) là một trong những di tích của làng cổ Võ Lâm. Khi đến Kon Tum, với ý nguyện mở mang đất đai, tạo điều kiện để những người lương (không theo tôn giáo nào) di dân từ đồng bằng lên Kon Tum có nơi an cư lập nghiệp, cụ Võ Chuẩn đã khởi xướng thành lập làng Võ Lâm vào năm 1935, đây là làng người lương được thành lập sau làng Trung Lương và làng Lương Khế ở tỉnh Kon Tum.

Theo sách “Kon Tum – di tích và danh thắng”, đình Võ Lâm được xây dựng năm 1935 với diện tích 1.000m2. Đây là nơi sinh hoạt cộng đồng, thờ tự âm linh cô bác, thổ thần, thổ địa… nhưng về sau làm nơi thờ tự những vị tiền hiền khai khẩn đất đai và nay là nơi thờ Thành hoàng làng Võ Lâm là Quản đạo Võ Chuẩn. Cái tên Võ Lâm cũng bắt nguồn từ họ Võ của vị Quản đạo này nhằm để nhớ ơn người đã có công mở rộng vùng đất và chữ “Lâm” có nghĩa là rừng nhằm mô tả về Kon Tum những ngày mới thành lập được vây quanh bởi rừng.

Đình Võ Lâm

Cùng với 03 mái đình trên, sự di dân, lập nghiệp, xây dựng cuộc sống mới, nhân dân trên địa bàn tỉnh đã xây dựng thêm 05 cơ sở tín ngưỡng để thờ cúng Thánh mẫu, Thành Hoàng làng, các bậc tiền bối, tôn vinh những người có công với đất nước, với cộng đồng, cầu mong sự bình yên, như:

- Điện Thánh Mẫu (phường Quyết Thắng, thành phố Kon Tum);

- Thanh Minh Nghĩa Tự hay còn gọi là Dinh Cô hồn (phường Thống Nhất, thành phố Kon Tum);

- Đình xóm Huế (đường Lê Hồng Phong, phường Quyết Thắng, thành phố Kon Tum);

- Am Xóm Lưới (đường Trần Hưng Đạo, phường Thắng Lợi, thành phố Kon Tum);

- Am bà Tân Phú (xã Hòa Bình, thành phố Kon Tum).

Với những giá trị về văn hóa, lịch sử và tâm linh, năm 2007 UBND tỉnh đã ban hành Quyết định công nhận đình Trung Lương và đình Võ Lâm là di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh; hiện nay, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang lập hồ sơ để đề nghị xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh đối với Đình Lương Khế và Điện Thánh Mẫu.

Ngoài việc bảo tồn di sản văn hóa vật thể, các cơ sở tín ngưỡng là nơi dân làng tổ chức các hoạt động trọng đại của làng như lễ tế xuân vào rằm tháng 2, giỗ Tổ Hùng Vương vào 10/3, lễ tế thu trong tháng 8 và lễ tất niên vào tháng 12 Âm lịch hàng năm. Qua đó, dân làng bày tỏ lòng thành kính, tri ân với các vị vua Hùng lập quốc, các vị thần hoàng làng, các bậc tiền nhân khai khẩn lập làng; đồng thời, cầu cho “mưa thuận, gió hòa”, “quốc thái, dân an”, dân làng làm ăn phát đạt…

 

LÊ ĐÀM
Số lượt xem:1481
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ BAN TÔN GIÁO TRỰC THUỘC SỞ NỘI VỤ TỈNH KON TUM
Chịu trách nhiệm nội dung:  Ông Vũ Quang Dũng - Trưởng ban Tôn giáo
Quản lý và nhập thông tin: Ban Tôn giáo trực thuộc Sở Nội vụ tỉnh Kon Tum.
Địa chỉ: Tầng 7 - Tòa nhà A, Trung tâm Hành chính tỉnh Kon Tum, tổ 7, phường Thống Nhất, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum;
Email: bantongiaosnvkt@gmail.com; SĐT: 02603.915.156

 

2609 Tổng số người truy cập: 8 Số người online:
Phát triển:TNC