banner
Thứ 3, ngày 30 tháng 4 năm 2024
public Liên kết website

 

QUÁ TRÌNH DU NHẬP VÀ PHÁT TRIỂN CỦA ĐẠO PHẬT Ở KON TUM
16-11-2016

Tại Kon Tum, trong những năm 30 của thế kỷ XX, cùng với sự có mặt của đạo Công giáo, đạo Phật cũng đã phát triển đến với các cư dân sinh sống ở Trường Sơn - Tây Nguyên, trong đó có tỉnh Kon Tum.

Theo các nguồn tài liệu để lại, những năm 1930, Hòa thượng Tăng Cang Lê Tế, Pháp hiệu Từ Vân là vị tổ sư đầu tiên của đạo Phật đến với tỉnh Kon Tum. Trong những ngày đầu còn gặp nhiều khó khăn, được sự giúp đỡ của ông Quảng Đạo Võ Chuẩn, đạo Phật đã xây dựng được ngôi chùa đầu tiên tại vùng đất gò đồi trên địa bàn nội thị Kon Tum (nay là chùa Bác Ái, thuộc phường Quang Trung, thành phố Kon Tum). Lúc đầu, đây chỉ là một am miếu nhỏ có tên là Linh Sơn tự - nơi để thờ cúng các cô hồn theo truyền thống, phong tục của người Việt. Đến năm 1932, cùng với sự di dân của người Kinh theo đạo Phật ở các tỉnh Bình Định, Quảng Nam, Quảng Ngãi lên Kon Tum làm ăn ngày càng đông và cùng với sự phát triển của đạo Phật tại tỉnh Kon Tum, quần chúng tín đồ đã góp công, góp của xây dựng lại ngôi Linh Sơn Tự khang trang, to đẹp hơn và đặt tên là chùa Bác Ái.

Từ những năm 1940 đến 1950, đạo Phật ngày càng phát triển mở rộng ra các khu vực vùng ven thành phố Kon Tum. Đến năm 1958, chùa Hồng Từ (nay thuộc phường Quyết Thắng, thành phố Kon Tum) đã được xây dựng và sau đó là hàng loạt các ngôi chùa được xây dựng nối tiếp để phục vụ nhu cầu sinh hoạt tôn giáo cho tín đồ phật tử như: chùa Trung Khánh xây dựng năm 1954; chùa Hoa Nghiêm xây dựng năm 1959; chùa Phước Huệ xây dựng năm 1960; chùa Trung Thành, chùa Huệ Quang xây dựng năm 1962; tịnh xá Ngọc Hạnh xây dựng năm 1963; tịnh xá Ngọc Thọ xây dựng năm 1966....Và cho đến nay,  trên địa bàn tỉnh đã có 29 cơ sở thờ tự của đạo Phật, trong đó có 23 chùa và 06 tịnh xá.

Trong buổi đầu phát triển tại tỉnh Kon Tum, do điều kiện chiến tranh nên Phật giáo tỉnh Kon Tum chưa có sự hợp nhất toàn diện với Phật giáo các tỉnh trong cả nước. Mãi đến năm 1959, Tổng hội Phật giáo Kon Tum mới được thành lập và trực thuộc Tổng hội Phật giáo trung phần. Sau giải phóng năm 1975, tỉnh Kon Tum được sáp nhập với tỉnh Gia Lai và Ban Trị sự lâm thời của Phật giáo tỉnh Gia Lai - Kon Tum mới được thành lập. Sau khi tỉnh Kon Tum được tách ra khỏi tỉnh Gia Lai (tháng 10/1991), ngày 10/9/1995, UBND tỉnh Kon Tum đã có quyết định công nhận Ban Trị sự lâm thời Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Kon Tum và Ban Trị sự lâm thời Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Kon Tum hoạt động theo Hiến chương của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Ngày 10/12/1995, Đại hội Đại biểu Phật giáo tỉnh Kon Tum lần thứ nhất chính thức họp và bầu ra Ban Trị sự gồm 15 thành viên, trong đó Thượng tọa Thích Đồng Trí giữ chức vụ Trưởng ban và lúc này Giáo hội Phật giáo tỉnh Kon Tum chính thức được công nhận là thành viên của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh. Đến nay, Phật giáo tỉnh Kon Tum đã trải qua 05 kỳ đại hội, cụ thể: năm 2002 tổ chức Đại hội Phật giáo tỉnh nhiệm kỳ II (2002-2007) và bầu 31 thành viên tham gia Ban Trị sự; năm 2007, tổ chức Đại hội Phật giáo tỉnh nhiệm kỳ III (2007-2012) và bầu 32 thành viên tham gia Ban Trị sự; năm 2012, tổ chức Đại hội Phật giáo tỉnh nhiệm kỳ IV (2012-2017) và bầu 31 thành viên tham gia Ban Trị sự;  tháng 6/2017, tổ chức Đại hội Phật giáo tỉnh nhiệm kỳ V (2017-2022) và bầu 39 thành viên tham gia Ban Trị sự. 

Chùa Huệ Chiếu - Văn phòng Ban Trị sự  GHPG Việt Nam tỉnh Kon Tum (ảnh minh họa)

Nhìn chung, qua quá trình hình thành, phát triển của đạo Phật tại Kon Tum,  trong mọi thời kỳ, chức sắc, tín đồ phật tử của đạo Phật đã luôn phát huy, thực hiện tốt phương châm "Phật giáo đồng hành cùng dân tộc", "Đạo pháp - dân tộc - chủ nghĩa xã hội", điều này thể hiện qua các việc làm như: trong kháng chiến chống thực dân Pháp và Đế quốc Mỹ xâm lược, nhiều ngôi chùa đã thở thành nơi nuôi dấu chiến sĩ cách mạng (như chùa Trung Khánh, chùa Thanh Trung...), nhiều tín đồ phật tử đã anh dũng hy sinh trong cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm để gìn giữ quê hương, bảo tồn giá trị tinh hoa văn hóa của cộng đồng các dân tộc anh em cùng nhau chung sống trên địa bàn tỉnh Kon Tum. Ngày nay, trong thời bình, Phật giáo tỉnh nhà tiếp tục có những hoạt động, đóng góp tích cực (như: hỗ trợ lương thực, thực phẩm cho các hộ gia đình khó khăn, người già neo đơn, nạn nhân chất độc màu da cam, đồng bào DTTS; tặng quà, sách, vở cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, học sinh là người dân tộc thiểu số…nhân dịp lễ trọng của đất nước  hoặc trong dịp lễ của đạo Phật...) để góp phần xây dựng đất nước nói chung, địa phương tỉnh Kon Tum nói riêng ngày càng giàu mạnh. 

Trương Thị Ngọc Anh - Ban Tôn giáo tỉnh Kon Tum

Số lượt xem:1208
Bài viết liên quan:
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ BAN TÔN GIÁO TRỰC THUỘC SỞ NỘI VỤ TỈNH KON TUM
Chịu trách nhiệm nội dung:  Ông Vũ Quang Dũng - Trưởng ban Tôn giáo
Quản lý và nhập thông tin: Ban Tôn giáo trực thuộc Sở Nội vụ tỉnh Kon Tum.
Địa chỉ: Tầng 7 - Tòa nhà A, Trung tâm Hành chính tỉnh Kon Tum, tổ 7, phường Thống Nhất, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum;
Email: bantongiaosnvkt@gmail.com; SĐT: 02603.915.156

 

2609 Tổng số người truy cập: 45 Số người online:
Phát triển:TNC