banner
Thứ 6, ngày 19 tháng 4 năm 2024
public Liên kết website

 

Vài nét về Đình Trung Lương - thành phố Kon Tum
20-2-2020

Hình thành từ những năm đầu thế kỷ XIX, đến nay làng Trung Lương đã có trên 100 năm tuổi. Cùng với các làng khác như Tân Hương, Lương Khế, Phương Nghĩa, Võ Lâm thuộc thành phố Kon Tum... làng Trung Lương đã góp phần quan trọng vào việc hình thành nên đô thị tỉnh lỵ Kon Tum ngày nay. 

Theo tương truyền và lý giải của các vị lão làng thì hai chữ Trung và Lương mang ý nghĩa gắn với nguồn gốc của dân làng.  Chữ Trung ở đây là Trung Châu, tên gọi cũ từ thời xa xưa một địa danh ở miền xuôi của tỉnh Bình Định, thuộc nhóm cư dân đầu tiên của Phủ Trung Châu từ thời phong kiến, dưới miền quê Bình Định lên vùng đất cực Bắc Tây nguyên này. Còn từ Lương là đạo ông bà, tổ tiên, hay còn gọi là không theo tôn giáo nào cả, nhóm cư dân này chỉ thờ tổ tiên, cúng đa thần. Chính thời điểm này tên gọi làng Trung Lương hay Đình Trung Lương chính thức ra đời gắn liền với một ngôi đình nhỏ nằm yên bình trong vòng tay ôm ấp của dãy núi Trường Sơn trùng điệp hoang sơ, tạo nên một màu xanh ngút ngàn bên dòng sông Đăk Bla thơ mộng của thành phố Kon Tum.

Theo lời kể của các vị cao niên làng Trung Lương và một số bài viết, tài liệu đang lưu giữ tại Đình hiện nay thì cư dân đầu tiên của làng Trung Lương có mặt ở Kon Tum là vào năm 1879 (Kỷ Mão Niên chế), lúc đầu hai ông là Xã Na và Xã Niên là thế hệ hậu hiền khai cơ lập địa của làng Trung Lương đã đại diện dân làng xin phép quan Quản đạo Kon Tum thành lập làng và xây dựng nên Đình để thờ phượng. Về sau, ông Nguyễn Lập và một số người kinh  huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định mạo hiểm xuyên rừng, vượt suối lên mua bán trao đổi hàng hóa với đồng bào dân tộc bản địa tại Kon Tum, sau đó họ đã lập làng định cư. Năm 1885, hưởng ứng lời kêu gọi của Quản đạo Tôn Thất Toại một ông quan triều đình Nhà Nguyễn dưới thời Vua Đồng Khánh ban lệnh chiêu mộ dân ba tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình định để phát triển dân cư về sau. Hầu chiếu chỉ quan Quản đạo Kon Tum Ông Nguyễn Lập đã về quê Bình Định, mộ dân lên lập làng, lập đình Trung Lương nằm ngay khu vực ngã tư đường Nguyễn Thái Học và Phan Đình Phùng ngày nay. Đây cũng chính là vùng đất mà những gia đình đầu tiên là công dân của làng Trung Lương dựng nhà lập xóm giữa vùng núi hoang vu, dân làng sống chủ yếu bằng nghề mua bán, trao đổi hàng hóa, săn bắt thú rừng và làm lúa rẫy. Nơi đây được mệnh danh là "rừng thiêng nước độc", có nhiều thú dữ, núi non hùng vỹ.

Trải qua thời gian, số lượng các gia đình người Kinh lên định cư ngày càng nhiều; dựa theo lời kể ghi chép lại: Ông Nguyễn Công An - nguyên Trưởng Ban quản lý đình cổ Trung Lương, là con của ông Nguyễn Phùng, nguyên là Phó Lý làng Trung Lương có giải thích: Lúc bấy giờ Kon Tum mới có làng Tân Hương là làng của người Kinh theo Công giáo được thành lập. Vào thời điểm đó, những người mới di cư lên Kon Tum nếu là người có đạo hoặc chấp thuận theo Công giáo sẽ là thành viên của làng Tân Hương. Đến khi Triều đình Huế bổ nhiệm ông Tôn Thất Toại làm Quản đạo Kon Tum mới ban lệnh mộ dân ở các vùng miền Trung bộ để lập làng. Khi đó các cư dân về đây lập làng đông đúc và lấy tên của làng là Trung Lương. Hệ thống làng Trung Lương nằm cách bên cạnh làng người dân tộc bản địa và một số ít người kinh Tân Hương, xã Châu Thành cũ. Địa giới hành chính của làng Trung Lương cổ về phía bắc giáp với rừng nguyên sinh (tức khu vực đường Bà Triệu, thuộc Phường Quang Trung ngày nay; phía nam giáp với hạ lưu sông Đăk Bla thuộc khu vực Phường Quyết Thắng; phía đông giáp Lương Khế thuộc khu vực đường Hoàng Văn Thụ, Trần Phú, Phường Thắng Lợi và phía tây giáp làng người dân tộc thiểu số Plei Tơ Nghia, tức đường Nguyễn Thái Học, Hai Bà Trưng ngày nay.

 

Đình cổ Trung Lương, di tích Lịch sử Văn hóa cấp tỉnh

Cũng như nhiều làng quê khác ở đồng bằng ven biển Miền Trung, những cư dân từ Quảng Nam trở vào đến Bình Định lên Kon Tum lập nghiệp họ xây dựng đình làng để thờ cúng các vị thần hoàng bản xứ, thờ thánh mẫu để cầu mong cho các đấng siêu nhiên phù hộ, che chở cho dân làng được bình yên; thờ tiền hiền, hậu hiền để bày tỏ lòng biết ơn các thế hệ đi trước đã khai sơn, lập địa. Dân số của làng Trung Lương vào thời điểm mới thành lập chừng khoảng 50 nóc nhà và chia thành 2 xóm nhỏ gồm Trung Lương 1 và Trung Lương 2, nằm bên cạnh các làng Bác Ái, Lương Khế. Phần lớn dân làng sinh sống bằng nghề mua bán, trao đổi hàng hóa và làm nghề thủ công, rèn mộc, dịch vụ. Đây cũng là cơ sở để khu vực này về sau phát triển thành khu dân cư mua bán hàng hóa sầm uất trước khi thị xã Kon Tum được thành lập.  

Hiện vật và sử sách chép lại, ban đầu Đình Trung Lương chỉ được xây dựng như một ngôi miếu nhỏ. Đến năm 1917, Đình Trung Lương được trùng tu, kiến trúc xây dựng theo lối nhà ngang truyền thống của người Bình Định với khung gỗ, mái lợp ngói vảy và vách làm bằng cây le cuộn rơm với đất. Gian giữa của Đình là gian thờ thần hoàng bản xứ theo lối trước sau, trên dưới. Gian phía bắc thờ thánh mẫu, thờ Quan Vân Trường và thờ Cửu Tiên Huyền Nữ (thông thường theo tục lệ người Trung Trung bộ không thờ Am Bà trong Đình, nhưng ở Đình Trung Lương có đặc sắc riêng). Gian phía Nam là gian thờ cô hồn, vô danh và gian phía sau là gian thờ tiền hiền, hậu hiền; mỗi khi có lễ, dân làng thường mở hội linh đình, tổ chức hát bội, bài chòi cho dân làng vui chơi, thưởng thức thâu đêm... Trải qua biến cố của lịch sử, thời gian, dấu tích còn lại của làng cổ Trung Lương không còn nhiều; dân làng đã góp công, góp của cùng nhau xây dựng nên Đình Trung Lương và một phần của đình còn tồn tại đến ngày nay. Nhìn từ bên ngoài, khó có thể hình dung ra được làng cổ Trung Lương ngày ấy diện mạo như thế nào. Tuy nhiên, để tìm hiểu đậm nét tín ngưỡng, văn hóa dân gian của cư dân làng Trung Lương cổ, chúng ta có thể hiểu được phần nào thông qua tìm hiểu, quan sát công trình Đình Trung Lương, một di tích lịch sử đã được công nhận cấp tỉnh.

Trải qua hơn 120 năm thành lập làng qua nhiều đổi thay và biến cố của lịch sử, nhưng dân làng Trung Lương vẫn giữ được nhiều nét văn hóa truyền thống, trong đó có các lễ hội tín ngưỡng gắn với đình - làng của cư dân người kinh. Theo Ông Quách Vĩnh Kinh - Trưởng Ban Quản sự Đình Trung Lương cho biết: Định kỳ hằng năm vào ngày 10/2 âm lịch, dân làng Trung Lương tổ chức lễ Tế Xuân để cầu cho hòa bình, quốc thái dân an; cứ vào dịp ngày Mùng 10/3 âm lịch là lễ Thanh minh kết hợp với giỗ Tổ Hùng Vương; trong lễ này dân làng chỉnh trang những phần mộ không người chăm sóc, sau đó về đình làm lễ tế âm cầu cho các vong hồn được siêu thoát, phù hộ dân làng bình an. Mùng 10/8 là lễ tế Thu để bày tỏ lòng biết ơn, hiếu kính với các vị tiền hiền khai khẩn, hậu hiền khai cơ lập ra đình. Mùng 10/12 âm lịchlà ngày tất niên của dân làng, đây là dịp dân làng tổng kết sau một năm lao động, sản xuất vất vả và cùng nhau tổ chức lễ hội tại Đình bằng nhiều hoạt động thiết thực như: Lễ mừng tuổi và tri ân các bậc cao niên; tuyên dương các gia đình làm ăn sản xuất giỏi, con cháu học hành thành đạt, đánh giá hoạt động quản sự của Ban di tích...

Gần hai thế kỷ đã trôi qua kể từ khi những cư dân đầu tiên của làng Trung Lương vượt đèo An Khê, Mang Giang tỉnh Bình Định, đèo Lò xo Quảng Nam và đèo Vi Ô Lắc Quảng Ngãi lên Kon Tum sinh sống và lập Đình cổ Trung Lương. Hiện nay xét về mặt địa giới hành chính, tuy không còn tồn tại với tư cách là một làng nguyên vẹn nhưng họ vẫn luôn tự hào về ngôi làng cổ của mình. Bởi lẽ, lớp cư dân đầu tiên của Trung Lương đã góp phần hình thành nên diện mạo của đô thị Kon Tum ngày nay. Đặc biệt hơn, Đình cổ Trung Lương là một trong những di tích lịch sử quý hiếm và làm cho kho tàng văn hóa dân gian trên địa bàn tỉnh Kon Tum trở nên đặc sắc, phong phú, đa dạng và giàu truyền thống.

Tâm sự với chúng tôi Bà Phạm Thị Tố Lan- Phó Chủ Tịch Phường Quang Trung, Trưởng Ban Quản lý di tích cho biết: Để thực hiện tốt công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa, Bà Tố Lan đề nghị thành phố cần tích cực, chủ động phối hợp với Sở Văn hóa thể thao và du lịch Kon Tum và các ngành chức năng liên quan triển khai các giải pháp cụ thể để tiếp tục bảo tồn, phát huy giá trị của di tích, trong đó tập trung tuyên truyền, quảng bá, nâng cao nhận thức của cộng đồng; khuyến khích nhân dân giữ gìn và trao truyền các nghi thức thực hành di tích một cách bền vững; có biện pháp bảo vệ không gian văn hóa, tu bổ, phục hồi và quản lý tốt quần thể di tích Trung Lương; xây dựng chương trình hành động để bảo vệ di sản tín ngưỡng Đình Trung Lương trường tồn và phát huy tốt các giá trị trong đời sống đương đại. Việc công nhận Đình Trung Lương là Di tích Lịch sử Văn hóa cấp tỉnh cũng là một minh chứng của sự tri ân thế hệ hôm nay với các thế hệ cha anh đi trước đã đặt nền móng khai phá, dựng xây nên những ngôi làng, làm tiền đề cho việc hình thành và phát triển kinh tế xã hội sầm uất của thành phố Kon Tum xứng đáng là trung tâm của tỉnh lỵ Kon Tum ngày nay.

- Gia Bảo

PHAN THÁI
Số lượt xem:2220
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ BAN TÔN GIÁO TRỰC THUỘC SỞ NỘI VỤ TỈNH KON TUM
Chịu trách nhiệm nội dung:  Ông Vũ Quang Dũng - Trưởng ban Tôn giáo
Quản lý và nhập thông tin: Ban Tôn giáo trực thuộc Sở Nội vụ tỉnh Kon Tum.
Địa chỉ: Tầng 7 - Tòa nhà A, Trung tâm Hành chính tỉnh Kon Tum, tổ 7, phường Thống Nhất, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum;
Email: bantongiaosnvkt@gmail.com; SĐT: 02603.915.156

 

2609 Tổng số người truy cập: 19 Số người online:
Phát triển:TNC