Tại Kon Tum, hiện có 04 hệ phái Cao đài, gồm: Cao đài Tây Ninh, Cao đài Cầu kho Tam Quan, Cao đài Truyền giáo và Cao đài Minh Chơn Lý. Theo tài liệu chép tay của chức sắc các hệ phái Cao đài để lại, được biết cùng với quá trình di dân ở vùng miền Trung lên Tây nguyên sinh sống, làm ăn; những đạo hữu của các hệ phái Cao đài đã tìm cách lên Kon Tum làm ăn kinh tế và từ đó du nhập, phát triển đạo Cao đài vào địa bàn tỉnh Kon Tum. Do đó, mỗi hệ phái có một một quá trình hình thành và phát triển khác nhau trên địa bàn tỉnh Kon Tum.
Đối với hệ phái Cao đài Tây Ninh: hệ phái này đến Kon Tum vào những năm 30 của thế kỷ XX. Đến những năm 1937-1938, hệ phái này phát triển mạnh trên địa bàn tỉnh, nhất là vùng Đăk Tô - Tân cảnh. Năm 1966, đạo hữu của hệ phái Cao đài Tây Ninh viết đơn gửi chính quyền đương thời để xin xây dựng thánh thất làm nơi sinh hoạt tôn giáo cho đạo hữu và đã được chấp thuận. Năm 1972, trong một cuộc giao chiến giữ quân đội ta với Mỹ ngụy, thánh thất của hệ phái Cao đài Tây Ninh tại Đăk Tô - Tân Cảnh đã bị bom mỹ ném sập, từ đó do không còn nơi sinh hoạt nên tín đồ phân tán, có người ở lại vùng Đăk tô - Tân Cảnh, có người về quê cũ sinh sống.
Tại thành phố Kon Tum, năm 1962, bà con tín hữu hệ phái Cao đài Tây Ninh đã quyên góp tiền để xây dựng một ngôi Thánh thất tại nội thành Kon Tum tại số 43 đường Hùng Vương để làm nơi sinh hoạt tôn giáo. Đến nay, đây là ngôi Thánh thất duy nhất còn lại trong số các cơ sở thờ tự của hệ phái Cao đài Tây Ninh trên địa bàn tỉnh Kon Tum. Hiện số tín đồ của hệ phái này có khoảng gần 300 đạo hữu và có 08 chức sắc (trong đó có 01 chức sắc phẩm Giáo hữu; 07 chức sắc phẩm Lễ sanh) đang hoạt động tôn giáo trên địa bàn tỉnh.
Thánh thất Cao đài Tây Ninh tại tỉnh Kon Tum
(ảnh minh họa)
Đối với hệ phái Cao đài Cầu kho Tam Quan: Hệ phái này đến Kon Tum vào những năm 40 của thế kỷ XX. Mặc dù đây là hệ phái có tổ chức bề thế hơn so với các hệ phái Cao đài khác ở nước ta song lại không phát triển mạnh tại tỉnh Kon Tum như hệ phái Cao đài Tây Ninh.
Trong thời kỳ đầu, hệ phái này do ông Nguyễn Tuân (nay ông Nguyễn Tuân đã được phong phẩm Lễ sanh) phụ trách. Đến năm 2006, xét nhu cầu của hệ phái, UBND tỉnh Kon Tum đã xem xét, chấp thuận chp hệ phái Cao đài Cầu kho Tam Quan được thành lập tổ nghi lễ gồm 04 thành viên để lo việc quan, hôn, tang tế cho đạo; Tổ nghi lễ mượn nhà riêng của ông Lê Hòa (số 45 đường Ngô Sĩ Liên, phường Duy Tân, TP Kon Tum) để làm nơi sinh hoạt tạm thời của đạo. Đến năm 2011, để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tôn giáo của đạo hữu, UBND tỉnh đã chấp thuận cho Tổ nghi lễ hệ phái Cao đài Cầu kho Tam Quan được xây dựng thiên bàn tại xã Hòa Bình, thành phố Kon Tum để làm nơi sinh hoạt tôn giáo. Hiện số đạo hữu của hệ phái này có khoảng gần 200 người và có 02 chức sắc (phẩm Lễ sanh) đang hoạt động tôn giáo trên địa bàn tỉnh.
Đối với hệ phái Cao đài Truyền giáo: hệ phái này đến Kon Tum vào năm 1969; thời điểm mới du nhập và phát triển đến tỉnh Kon Tum, đây chỉ là một xã đạo trực thuộc và sinh hoạt tại thánh thất trung Hội, tỉnh Gia Lai; số lượng đạo hữu ban đầu của hệ phái là 120 người, sinh hoạt tại nhà ông Đào Huyền từ năm 1969 đến năm 1987; sau khi ông Đào Huyền chết, đạo hữu dời về nhà ông Trần Cấp (tại số 09 đường Trần Nhân Tông, thành phố Kon Tum) để sinh hoạt tôn giáo từ năm 1988 đến năm 2010.
Sau khi được UBND tỉnh chấp thuận cho hệ phái Truyền giáo được thành lập cơ sở đạo tại tỉnh Kon Tum (Thông qua Công văn số 30/SNV-TG ngày 08/01/2010 của Sở Nội vụ) và chấp thuận cho thành lập Ban Trị sự cơ sở đạo với 06 thành viên, do lễ sanh Huỳnh Văn Phê làm Trưởng ban (thông qua Công văn số 2751/SNV-TG ngày 10/12/2009 của Sở Nội vụ), đạo hữu của hệ phái đã chuyển về sinh hoạt tại nhà bà Huỳnh Thị Bốn (đường Nguyễn Thiện Thuật, phường Duy Tân, thành phố Kon Tum). Trong những năm qua, số lượng tín đồ của hệ phái phát triển không nhiều, chủ yếu là phát triển thông qua tăng trưởng tự nhiên; hiện số lượng tín đồ của hệ phái có khoảng gần 100 người.
Đối với hệ phái Cao đài Minh Chơn lý: đây là hệ phái đã được công nhận tư cách pháp nhân ở cấp Trung ương. Tuy nhiên tại tỉnh Kon Tum chỉ có 03 hộ gia đình theo hệ phái này nên hiện số đạo hữu của hệ phái chỉ sinh hoạt tôn giáo tại gia đình.
Nhìn chung, trong thời gian qua, chức sắc, đạo hữu của các hệ phái Cao đài trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; thực hiện các hoạt động, sinh hoạt tôn giáo tuân thủ quy định của pháp luật; hiến chương, nội quy của giáo hội; tích cực tham gia các hoạt động từ thiện, nhân đạo và các phong trào thi đua yêu nước do địa phương phát động.
Trương Thị Ngọc Anh