Theo lời kể của các vị cao niên cư dân đầu tiên của hai làng Lương khế và làng Trung Lương và một số bài viết, tài liệu đang lưu giữ hiện nay tại Di tích “Sắc tứ Bác ái Tự” hay còn được gọi là (Chùa) Tổ Đình Bác Ái, đây là một công trình kiến trúc Phật giáo tọa lạc ngay trong trung tâm thành phố Kon Tum và có mặt sớm nhất ở tỉnh Kon Tum cũng như các tỉnhTây Nguyên. Nơi đây, còn được lưu giữ nguyên sơ nét cổ kính của công trình kiến trúc theo phong cách kiến trúc Cung đình Huế vào những năm đầu thế kỷ XX.
Trước năm 1930, Kon Tum là vùng đất còn hoang sơ, những ngôi làng người Kinh từ miền xuôi lên đầu tiên đến sinh sống chủ yếu dọc theo vùng đất phù sa của con sông Đăk Bla hiền hòa bên cạnh những ngôi làng của người dân tộc bản xứ Bah Nar. Nằm về phía Đông Nam và Tây Bắc Tổ Đình Bác Ái có 2 làng người Kinh gọi là làng Trung Lương và Lương Khế; phía Bắc Tổ Đình (có làng người Kinh Võ Lâm sinh sống) tiếp giáp đường Phan Chu Trinh; hai bên Đông-Tây giáp với đường Phan Thanh Giản (nay là đường Trần Phú) và đường Mạc Đĩnh Chi; phía Bắc giáp đường Bà Triệu. Qua bao năm sinh sống ở đây, người Lương theo đạo ông bà, tổ tiên hay còn gọi là không theo tôn giáo nào cả, nhóm cư dân này chỉ thờ cúng Thần Hoàng Bổn Cảnh, thần hộ quốc tý dân, bảo trợ dân làng trong quá trình khai khẩn vùng đất mới và chính nơi đây cũng được mệnh danh là "rừng thiêng nước độc", có nhiều thú dữ, núi non hùng vỹ.
Đầu năm 1932, triều đình nhà Nguyễn đưa Ông Võ Chuẩn lên Kon Tum làm quản đạo, là người có tấm lòng hướng Phật, ông đã ủng hộ cho nhân dân hai làng Lương Khế và Trung Lương thành lập một ngôi chùa trên khu đất của Âm Linh Miếu tự. Đây là vùng đất có địa thế cao, xung quanh bao bọc bởi rừng già, phía nam có suối, phía bắc có núi, địa thế rất uy nghi và linh ứng. Để xây dựng chùa, Quản đạo Võ Chuẩn đứng ra thiết kế và đốc công xây dựng chùa cùng với nhân dân làng Lương. Qua một thời gian dài xây dựng do điều kiện xa xôi cách trở. Đến ngày 07/9/1933, Chùa tổ chức làm lễ Lạc thành (khánh tiết) lấy tên là Chùa Bác Ái. Thầy Từ Vân (Hòa Thượng Tăng Cang Lê Tế), được cử làm trụ trì Chùa Bác Ái. Sau khi ngôi chùa được khánh thành, triều đình nhà Nguyễn ban cho một số hiện vật để thờ phụng như Đại Hồng Chung, 1 pho tượng Quan âm đúc sẳn chất liệu bằng đồng, một bức Ngự dung có châu phê niên giám Bảo Đại. Ngoài ra, có Bửu ấn và 1 bức Bửu tán bằng gấm, 2 cặp Phan bằng gấm. Ngày 27/11/1933, pho tượng Phật Quan âm của Đức Khôn Nguyên Xương Minh Thái Hoàng - Thái Hậu được chuyển đến chùa đầu tiên, sau đó đến Đại Hồng Chung. Để ghi nhận một công trình kiến trúc theo mô phạm của triều đình, ngày 3 tháng 10 năm Bảo Đại thứ 7, vua Bảo Đại ban biển ngạch "Sắc Tứ Bái Ái Tự", đến năm 1955 thì đổi thành Tổ Đình Bác Ái.
Trải qua nhiều lần trùng tu, ngôi chùa Bác Ái vẫn bảo tồn được kiến trúc cổ xưa. Nhìn tổng thể kiến trúc, chùa xây dựng theo hướng Bắc Nam, kiểu hình chữ Môn (門)bao gồm: Chánh điện ở trung tâm và 2 bên tả, hữu là Đông lang (nhà Đông) và Tây lang (nhà Tây). Phía trước là Cổng tam quan quay về hướng Nam. Trước đây, cổng tam quan là một công trình kiến trúc khá độc đáo, mang đậm nét bản sắc văn hóa đình - làng phong kiến cổ kính. Cổng được thiết kế bởi hai tầng mái nằm so le trong, trên mỗi tầng mái bố trí cặp “Lưỡng Long chầu nhật”, uốn lượn trên mỗi đầu đao của đỉnh tam quan. Ở giữa tầng mái trên của cổng có treo Đại hồng chung. Hai bên cổng chính đặt tượng Tiêu diện và Hộ pháp trấn giữ lối vào, có chiều cao khoảng 1,5m khi du khách bước vào có cảm giác như đang lạc vào cảnh du dương tiên đế. Ngày nay, cổng tam quan mà ta nhìn thấy là cổng đã được làm lại vào năm 1970, sau khi cổng cũ bị chiến tranh tàn phá.
Chánh điện được xây dựng theo kiểu lối nhà 3 gian 2 mái, cổ lầu bao gồm gian Tiền đường - Thiêu hương - Thượng điện; tầng trên có lầu chuông và gác trống. Trên đỉnh nóc mái cong vút hai bên được đắp nổi hình Rồng chầu "Lưỡng long chầu nhật", nằm giữa là chữ Vạn; bên dưới tầng mái là lớp gỗ quý được cắt mỏng lợp bằng ngói vảy, tường xây gạch nung, vôi vữa. Bên trong Chánh điện toàn bộ các vì kèo, cột, xiên, trính bằng cây gỗ cổ thụ nguyên khối và được các nghệ nhân chạm trổ công phu, trong đó chủ yếu là nhóm gỗ cà chít, trắc, sến.
Bước vào Trung tâm Chánh điện du khách bị cuốn hút bởi hệ thống tượng thờ được bố trí theo thứ bậc từ cao đến thấp, đầu tiên là bộ tượng Tam Thế Phật; Di Đà Tam Tôn; Hoa Nghiêm Tam Thánh. Bên hữu, cấu trúc tượng thờ được chia làm hai phần: Phần hậu cung là Tam Toà Thánh Mẫu, một tượng mẫu ở trên cao, chính giữa là Mẫu đệ nhất Thượng Thiên (Mẫu Nghi Thiên Hạ), mặc áo đỏ; một tượng ở bên phải là Mẫu đệ Nhị Thượng Ngàn (cai quản rừng núi), mặc áo xanh; tương ứng về bên tả là Mẫu đệ Tam Thoải phủ (cai quản sông nước). Mặt tiền của hậu cung thờ Ngọc Hoàng Thượng Đế, hai bên là quan Nam Tào và Bắc Đẩu và phía trước là Bà Chúa Tiên và Mẫu Thiên Y A Na. Bên tả, cấu trúc thờ tượng Quan Thánh Đế Quân, Đức Thánh Trần Hưng Đạo. Hai gian dưới của lầu chuông và gác Trống là nơi thờ Tổ và Vong linh chư kiệt. Ngoài hệ thống tượng thờ, trên những hàng cột gỗ tròn treo những bức hoành phi, câu đối điêu khắc khá công phu được vua, quan và nhân dân trong tỉnh phụng cúng. Đặc biệt là bức hoành "Sắc tứ Bác Ái Tự" được đặt trang trọng nơi chính giữa của chánh điện, trên bức hoành có khắc dòng chữ: “Bảo đại thất niên thập nguyệt, sơ tam nhật. Tân An huyện, Tri huyện Lê Hoàng Hà (...) thừa phái Nguyễn Đại Đồng, Phạm Bá Công bái cúng (Tạm dịch là: Tri huyện Tân An cùng thừa phái Nguyễn Đại Đồng và Phạm Bá Công cúng tiến. Đảnh lễ vào ngày mùng ba tháng mười năm Bảo Đại thứ 7). Bên cạnh những công trình kiến trúc, không gian sân chùa còn có các bia đá, mộ tháp, miếu thờ, đoàn quán và nhà trù. Trong đó, ta còn bắt gặp một Bia đá công đức nhớ đến ông Quenin người Pháp đã có công phát quang bụi bờ để xây dựng Chùa. Gần hai thế kỷ đã trôi qua kể từ khi những cư dân đầu tiên của làng Trung Lương vượt đèo An Khê, Mang Zang tỉnh Bình Định, đèo Lò xo Quảng Nam và đèo Vi Ô Lắc Quảng Ngãi lên Kon Tum sinh sống và lập Đình cổ, hiện nay di tích tuy không còn tồn tại một cách nguyên vẹn nhưng họ vẫn luôn tự hào về ngôi Chùa (Tổ đình cổ) của mình. Bởi lẽ, lớp cư dân đầu tiên của người Kinh đã góp phần hình thành nên diện mạo của đô thị Kon Tum ngày nay. Đặc biệt hơn, cùng với Đình cổ Trung Lương và Lương Khế thì “Sắc tứ Bác ái Tự” hay còn được gọi là (Chùa) Tổ Đình Bác Ái là một trong những di tích lịch sử quý hiếm và làm cho kho tàng văn hóa dân gian trên địa bàn tỉnh Kon Tum trở nên đặc sắc, phong phú, đa dạng và giàu truyền thống.
Hàng năm, vào dịp lễ Phật Đản (rằm tháng tư), lễ Vu Lan (rằm tháng bảy âm lịch) các tín đồ phật tử, bổn đạo gần xa đến dự lễ Cung nghinh Phật và Sư Tổ rất đông đúc. Vào những ngày này, họ đọc kinh, niệm phật cầu gia bị; nguyện cho quốc thái dân an. Ngoài ra, phần hội cũng được tổ chức ngay ở sân Tổ Đình như các trò chơi dân gian, múa hát; buổi tối thường giao lưu văn hóa, văn nghệ giữa tín đồ Phật tử ở các chùa chiềng trong và ngoài tỉnh, các chư tăng còn kể lại những câu chuyện về lịch sử và sự tích ra đời của Đức Phật (khu vườn Lâm Tỳ Ni, chính là nơi thị hiện giáng trần của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni) cũng như quá trình thuyết giảng Phật pháp đến với công chúng. Chính vì vậy, nơi đây trở thành một điểm đến hấp dẫn của du khách gần xa, là nơi chúng sinh linh nguyện cúng dường Chư Phật.
Trở lại tham quan và ngắm cảnh Di tích “Sắc tứ Bác Ái Tự” Tổ Đình Bác Ái, vinh hạnh lớn đối với chúng tôi là được tiếp chuyện trực tiếp với Hòa Thượng Thích Chánh Quang- Thành viên Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam; Chứng minh Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Kon Tum- Thầy trụ trì Tổ đình cho biết: Việc công nhận Tổ Đình Bác Ái là Di tích Lịch sử Văn hóa cấp tỉnh cũng là một minh chứng của sự tri ân thế hệ hôm nay với các thế hệ đi trước đã đặt nền móng khai phá, dựng xây nên ngôi Tam Bảo đầu tiên của tỉnh Kon Tum, làm tiền đề cho việc hình thành và phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của thành phố Kon Tum ngày nay.
Để thực hiện tốt công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa. Chùa Bác Ái đề nghị các ngành chức năng của thành phố cần tích cực, chủ động phối hợp với Sở Văn hóa thể thao và du lịch Kon Tum và các cơ quan quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo cấp tỉnh triển khai các giải pháp cụ thể để tiếp tục bảo tồn, phát huy giá trị của di tích, trong đó tập trung tuyên truyền, quảng bá, nâng cao nhận thức của cộng đồng; khuyến khích nhân dân, tín đồ giữ gìn và mở tuyến giao thông huyết mạch tiếp giáp với đường Phan Chu Trinh đối diện với Tổ Đình để thuận tiện đi lại của khách tham quan di tích. Đồng thời, có biện pháp bảo vệ không gian văn hóa, tu bổ, phục hồi và quản lý tốt quần thể di tích Tổ đình chống xâm hại di tích từ bên ngoài; xây dựng chương trình hành động để tôn tạo, phục dựng di sản tín ngưỡng, tôn giáo tiếp tục trường tồn và phát huy tốt các giá trị trong đời sống đương đại.