banner
Thứ 6, ngày 17 tháng 5 năm 2024
public Liên kết website

 

QUÁ TRÌNH DU NHẬP VÀ PHÁT TRIỂN CỦA ĐẠO CÔNG GIÁO Ở KON TUM
20-2-2020

Những phát kiến về địa lý đã mở ra một triển vọng phát triển mới cho các tôn giáo ở phương tây (bao gồm cả đạo Công giáo) trong việc truyền giáo đến những vùng đất lạ. Tại địa bàn Tây nguyên nói chung và tỉnh Kon Tum nói riêng, quá trình mở đạo, phát triển đạo Công giáo trong giai đoạn đầu gắn liền với tên tuổi của Giám mục Stêphano Quénot Thể.

Giám mục Stêphano Quénot Thể (sinh năm 1802 và mất năm 1861) được tấn phong làm Giám mục phó Giáo phận đàng trong ngày 02/5/1835. Giám mục Quénot Thể  là người đầu tiên có ý định cử người thám hiểm và tìm cách truyền đạo đến vùng Trường Sơn - Tây Nguyên. Năm 1839, Giám mục Quénot Thể cử ông Cả Ninh (theo đường Quảng Trị) và ông A Quới (theo đường Phú Yên) lên Tây nguyên  tiếp xúc với các dân tộc như Ba Na, Ja Rai, Xơ đăng để giảng đạo nhưng do điều kiện đi lại khó khăn, hơn nữa đây là lần đầu tiên đến khu vực có khí hậu khắc ngiệt cùng với sự bất đồng ngôn ngữ nên chuyến đi bị thất bại.  Đến năm 1941, Giám mục Quénot Thể triệu tập cộng đồng Gò Thị (nay thuộc tỉnh Bình Định) thống nhất xúc tiến việc bồi dưỡng, đào tạo hàng Giáo sĩ người Việt để lên vùng cao nguyên giảng đạo cho đồng bào DTTS.

Năm 1842, Giám mục Quénot Thể tiếp tục tổ chức một đoàn mới 16 người (gồm có Linh mục Miche, Linh mục Duclos, 11 thầy giảng và 03 giáo dân) lên Tây Nguyên theo đường Phú Yên để giảng đạo nhưng chuyến đi tiếp tục bị thất bại. Sau nhiều lần lên Tây Nguyên không thành công, Giám mục Quénot Thể đã tập trung lựa chọn những người sẵn sàng chịu gian khổ để lên Tây nguyên và người được Giám mục Quénot Thể tin tưởng, giao nhiệm vụ là Tu sĩ Nguyễn Lành (còn gọi là thầy Sáu Do). Năm 1848 (năm thứ I Vua Tự Đức), Thầy Sáu Do  theo hướng An Khê lên Tây Nguyên xin làm giúp việc cho ông Quyền- một lái buôn thời bấy giờ để có điều kiện tiếp xúc nhiều hơn với người bản địa ở Tây Nguyên. Đến năm 1849, một đoàn truyền giáo tiếp tục lên Tây nguyên và đã tìm được đường đến miền Ja Rai, PleiKu.

Những tháng đầu năm 1850, Linh mục Combes, linh mục Fontaine và 07 thầy giảng tiếp tục lên Tây nguyên; trong quá trình tìm đến Kon Tum, người đầu tiên các linh mục gặp và kết bạn là ông Kiêm (thường gọi là Bok Kiơm), một tộc trưởng người Ba Na có uy tín, giàu có và là người giúp đỡ nhiều cho các linh mục trong công việc truyền, giảng đạo sau này. Đến tháng 11 năm 1850, đáp ứng lời mời của Giám mục Quénot Thể, hai vị thừa sai Pháp là Dourissbaure Ân (24 tuổi) và Desgouts Đề (đang làm cha xứ một xóm đạo ở Quảng Ngãi, 45 tuổi) cùng với một số tùy tùng và anh em ruột của thầy Sáu Do tiếp tục khởi hành lên Tây Nguyên.       

Qua thời gian xâm nhập thực tế và từ báo cáo của các vị thừa sai về cộng đồng Gò Thị; năm 1851, Giám mục Quénot Thể có thư phúc đáp, phân định việc truyền giáo lên miền Tây nguyên như sau:

- Linh mục Combes (cha Bê) làm bề trên thay mặt Đức cha ở vùng Kon Kơ Xâm và phụ trách việc truyền giáo cho cư dân Ba Na - Jơlơng ở vùng Đông Bắc.

- Linh mục Desgouts Đề (cha Đề) và thầy Sáu Do (lúc này thầy Sau Do chuẩn bị được thụ phong Linh mục) lãnh trách nhiệm xây dựng cơ sở vững chãi cho giáo phận tương lai tại trung tâm Plei Rơ Hai; truyền giáo cho cư dân Ba Na - Rơ Ngao vùng lưu vực sông Đăk Bla và cha Đề được chỉ định làm bề trên giám đốc Chủng viện.

- Linh mục Dourissbaure Ân (cha Ân) đảm nhiệm việc "mở mang nước Chúa" ở miền cư dân Xơ Đăng với làng Kon Trang làm điểm tựa.

- Linh mục Fontaine (Cha Khâm) phụ trách rao giảng tin mừng  cho cư dân Ja Rai, lấy làng Plei Chư làm nơi xuất phát.

Đến năm 1852, cơ sở truyền giáo đầu tiên ở Kon Tum được thiết lập tại làng Kon Kơ Xâm; tín đồ đầu tiên ở miền Tây Nguyên được linh mục Dourissbaure Ân (cha Ân) làm phép rửa tội là một em bé người Xê Đăng đang trong cơn hấp hối tại làng Kon Trang.  

Như vậy quá trình truyền, giảng đạo lên vùng Tây nguyên mặc dù bắt đầu từ những năm 40 của thế kỷ XIX nhưng mãi đến năm 1852 tình hình mới có chuyển biến. Sau những khởi sắc ban đầu của công cuộc truyền giáo, các trung tâm truyền giáo đã bắt đầu được lập ra và Linh mục Do đã cho xây dựng ngôi thánh đường đầu tiên trên miền truyền giáo Tây Nguyên (hiện nay là Nhà thờ Tân Hương). Về sau, do số lượng tín đồ phát triển đông nên Linh mục Hugon Xuân lập ra một làng mới giành riêng cho giáo dân người Kinh, tách khỏi trung tâm truyền giáo Plei Rơ Hai và gọi là Trại Lý - sau này là Gò Mít và ngày nay là xứ Tân Hương.

 

Nhà thờ Tân Hương ngày nay (ảnh minh họa)

 

Đến ngày 14/01/1932, Đức Giáo hoàng Piô XI loan báo quyết định về việc thành lập Giáo phận Kon Tum tách ra từ Giáo phận Quy Nhơn với 03 tỉnh: Đăk lăk, Gia Lai và Kon Tum và một phần lãnh thổ Atapư - Lào (sau đó phần lãnh thổ Atapư - Lào  được tách ra khỏi giáo phận Kon Tum năm 1944). Ngày 23/6/1933, Tòa thánh ban sắc chỉ bổ nhiệm cha bề trên Jannin Phước làm Giám mục tiên khởi; đồng thời lúc này các nữ tu của dòng Mến thánh giá từ Mằng Lăng (tỉnh Phú Yên), Gò Thị (tỉnh Bình Định) được mời lên Giáo phận Kon Tum để tổ chức trường nội trú cho thiếu nữ người DTTS ở Tân Hương; các nữ tu dòng Bác ái thành Vincente đệ Phaolô được mời đến đảm nhiệm nhà nuôi dạy trẻ mồ côi  tại Phương Nghĩa; sau đó đến ngày 06/4/1947, Tòa thánh Vatican duyệt bản thảo của Giám mục Sion Khâm về việc thành lập dòng tu Ảnh phép lạ trực thuộc Giáo phận Kon Tum.

Ngày 22/6/1967, Tòa thánh Vatican tách tỉnh Ban Mê Thuột ra khỏi giáo phận Kon Tum để thành lập giáo phận Ban Mê Thuột và lúc này Giáo phận Kon Tum chỉ còn lại 02 tỉnh là Gia Lai và Kon Tum. Tại thời điểm này giáo phận Kon Tum có gần 80 ngàn giáo dân,  44 địa sở và 84 linh mục.

 

Tòa Giám mục Kon Tum (ảnh minh họa)

Qua quá trình hình thành và phát triển hiện nay giáo phận Kon Tum có khoảng 300 ngàn giáo dân; 151 chức sắc; khoảng 400 nữ tu; 179 cơ sở tôn giáo; 84 giáo xứ; 14 giáo họ. Riêng tỉnh Kon Tum có khoảng 170 ngàn giáo dân; 62 chức sắc (trong đó có 03 Giám mục; 59 linh mục); 188 nhà tu hành là nữ tu của đạo Công giáo; 98 cơ sở tôn giáo (01 Tòa Giám mục Kon Tum, 42 nhà thờ, 36  nhà nguyện, 19 cơ sở của các dòng tu) và có 30 giáo xứ đã được công nhận. Riêng về Giám mục phụ trách Giáo phận Kon Tum, đến nay đã trải qua thời kỳ phụ trách của 07 Giám mục.

Nhìn chung, trong những năm qua, đời sống tôn giáo của giáo dân đạo Công giáo trên địa bàn tỉnh Kon Tum cơ bản diễn ra bình thường, ổn định, tuân thủ quy định pháp luật. Tòa Giám mục và các giáo xứ tiếp tục chú trọng đến việc xây dựng, tu bổ, sửa chữa cơ sở thờ tự để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tôn giáo của giáo dân. Chức sắc, chức việc, nhà tu hành, giáo dân đạo Công giáo chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tích cực tham gia các hoạt động từ thiện, nhân đạo và các phong trào thi đua yêu nước do địa phương phát động.

Trương Thị Ngọc Anh

Số lượt xem:3611
Bài viết liên quan:
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ BAN TÔN GIÁO TRỰC THUỘC SỞ NỘI VỤ TỈNH KON TUM
Chịu trách nhiệm nội dung:  Ông Vũ Quang Dũng - Trưởng ban Tôn giáo
Quản lý và nhập thông tin: Ban Tôn giáo trực thuộc Sở Nội vụ tỉnh Kon Tum.
Địa chỉ: Tầng 7 - Tòa nhà A, Trung tâm Hành chính tỉnh Kon Tum, tổ 7, phường Thống Nhất, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum;
Email: bantongiaosnvkt@gmail.com; SĐT: 02603.915.156

 

2609 Tổng số người truy cập: 32 Số người online:
Phát triển:TNC