banner
Thứ 6, ngày 26 tháng 4 năm 2024
public Liên kết website

 

KHÁI QUÁT VỀ QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN CỦA CÁC TÔN GIÁO TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KON TUM
21-4-2020

Tính đến 31/12/2019, trên địa bàn tỉnh Kon Tum hiện có 05 tôn giáo (Công giáo, Phật giáo, Cao đài, Tin lành, Phật giáo Hòa Hảo) với tổng số 218.674 tín đồ (trong đó có 160.626 tín đồ là đồng bào dân tộc thiểu số); có 247 chức sắc; 221 nhà tu hành là nữ tu đạo Công giáo; 140 cơ sở tôn giáo hợp pháp. Mỗi một tôn giáo trên địa bàn tỉnh Kon Tum có một lịch sử hình thành và phát triển khác nhau; trong phạm vi bài viết này sẽ khái quát về quá trình phát triển của 04 tôn giáo lớn có mặt tại Kon Tum, đó là đạo Công giáo, đạo Phật, đạo Cao đài và đạo Tin lành.

1. Đối với đạo Công giáo

          Quá trình mở đạo, phát triển đạo Công giáo trong giai đoạn đầu tại địa bàn Tây nguyên nói chung và tỉnh Kon Tum nói riêng gắn liền với tên tuổi của Giám mục Stêphano Quénot Thể (sinh năm 1802 và mất năm 1861, là người  được tấn phong làm Giám mục phó Giáo phận đàng trong ngày 02/5/1835). Giám mục Quénot Thể  là người đầu tiên có ý định cử người thám hiểm và tìm cách truyền đạo đến vùng Trường Sơn - Tây Nguyên, việc làm này thể hiện qua các mốc thời gian sau:

          Năm 1839, Giám mục Quénot Thể cử ông Cả Ninh (theo đường Quảng Trị) và ông A Quới (theo đường Phú Yên) lên Tây nguyên  tiếp xúc với các dân tộc như Ba Na, Ja Rai, Xơ đăng để giảng đạo nhưng do điều kiện đi lại khó khăn, hơn nữa đây là lần đầu tiên đến khu vực có khí hậu khắc ngiệt cùng với sự bất đồng ngôn ngữ nên chuyến đi bị thất bại.

           Đến năm 1941, Giám mục Quénot Thể triệu tập cộng đồng Gò Thị (nay thuộc tỉnh Bình Định) thống nhất xúc tiến việc bồi dưỡng, đào tạo hàng Giáo sĩ người Việt để lên vùng cao nguyên giảng đạo cho đồng bào DTTS.

          Năm 1842, Giám mục Quénot Thể tiếp tục tổ chức một đoàn mới 16 người (gồm có Linh mục Miche, Linh mục Duclos, 11 thầy giảng và 03 giáo dân) lên Tây Nguyên theo đường Phú Yên để giảng đạo nhưng chuyến đi tiếp tục bị thất bại.

          Năm 1848 (năm thứ I Vua Tự Đức), Thầy Sáu Do theo hướng An Khê lên Tây Nguyên xin làm giúp việc cho ông Quyền- một lái buôn thời bấy giờ để có điều kiện tiếp xúc nhiều hơn với người bản địa ở Tây Nguyên. Đến năm 1849, một đoàn truyền giáo tiếp tục lên Tây nguyên và đã tìm được đường đến miền Ja Rai, PleiKu.

          Những tháng đầu năm 1850, Linh mục Combes, linh mục Fontaine và 07 thầy giảng tiếp tục lên Tây nguyên; trong quá trình tìm đến Kon Tum, người đầu tiên các linh mục gặp và kết bạn là ông Kiêm (thường gọi là Bok Kiơm), một tộc trưởng người Ba Na có uy tín, giàu có và là người giúp đỡ nhiều cho các linh mục trong công việc truyền, giảng đạo sau này. Đến tháng 11 năm 1850, đáp ứng lời mời của Giám mục Quénot Thể, hai vị thừa sai Pháp là Dourissbaure Ân (24 tuổi) và Desgouts Đề (đang làm cha xứ một xóm đạo ở Quảng Ngãi, 45 tuổi) cùng với một số tùy tùng và anh em ruột của thầy Sáu Do tiếp tục khởi hành lên Tây Nguyên.    

          Qua thời gian xâm nhập thực tế và từ báo cáo của các vị thừa sai về cộng đồng Gò Thị; năm 1851, Giám mục Quénot Thể có thư phúc đáp, phân định việc truyền giáo lên miền Tây nguyên như sau: (1)  Linh mục Combes (cha Bê) phụ trách vùng Kon Kơ Xâm và phụ trách việc truyền giáo cho cư dân Ba Na - Jơlơng ở vùng Đông Bắc. (2) Linh mục Desgouts Đề (cha Đề) và thầy Sáu Do (lúc này thầy Sau Do chuẩn bị được thụ phong Linh mục) lãnh trách nhiệm xây dựng cơ sở vững chãi cho giáo phận tương lai tại trung tâm Plei Rơ Hai; truyền giáo cho cư dân Ba Na - Rơ Ngao vùng lưu vực sông Đăk Bla và cha Đề được chỉ định làm bề trên giám đốc Chủng viện. (3) Linh mục Dourissbaure Ân (cha Ân) đảm nhiệm việc "mở mang nước Chúa" ở miền cư dân Xơ Đăng với làng Kon Trang làm điểm tựa. (4)  Linh mục Fontaine (Cha Khâm) phụ trách rao giảng tin mừng  cho cư dân Ja Rai, lấy làng Plei Chư làm nơi xuất phát.

          Đến năm 1852, cơ sở truyền giáo đầu tiên ở Kon Tum được thiết lập tại làng Kon Kơ Xâm; tín đồ đầu tiên ở miền Tây Nguyên được linh mục Dourissbaure Ân (cha Ân) làm phép rửa tội là một em bé người Xê Đăng đang trong cơn hấp hối tại làng Kon Trang. 

          Như vậy quá trình truyền, giảng đạo lên vùng Tây nguyên mặc dù bắt đầu từ những năm 40 của thế kỷ XIX nhưng mãi đến năm 1852 tình hình mới có chuyển biến. Sau những khởi sắc ban đầu của công cuộc truyền giáo, các trung tâm truyền giáo đã bắt đầu được lập ra và Linh mục Do đã cho xây dựng ngôi thánh đường đầu tiên trên miền truyền giáo Tây Nguyên (hiện nay là Nhà thờ Tân Hương). Về sau, do số lượng tín đồ phát triển đông nên Linh mục Hugon Xuân lập ra một làng mới giành riêng cho giáo dân người Kinh, tách khỏi trung tâm truyền giáo Plei Rơ Hai và gọi là Trại Lý - sau này là Gò Mít và ngày nay là xứ Tân Hương.

          Đến ngày 14/01/1932, Đức Giáo hoàng Piô XI loan báo quyết định về việc thành lập Giáo phận Kon Tum tách ra từ Giáo phận Quy Nhơn với 03 tỉnh: Đăk lăk, Gia Lai và Kon Tum và một phần lãnh thổ Atapư - Lào (sau đó phần lãnh thổ Atapư - Lào  được tách ra khỏi giáo phận Kon Tum năm 1944). Ngày 23/6/1933, Tòa thánh ban sắc chỉ bổ nhiệm cha bề trên Jannin Phước làm Giám mục tiên khởi. Ngày 22/6/1967, Tòa thánh Vatican tách tỉnh Ban Mê Thuột ra khỏi giáo phận Kon Tum để thành lập giáo phận Ban Mê Thuột và lúc này Giáo phận Kon Tum chỉ còn lại 02 tỉnh là Gia Lai và Kon Tum. Tại thời điểm này giáo phận Kon Tum có gần 80 ngàn giáo dân,  44 địa sở và 84 linh mục.

 

Hình ảnh Tòa Giám mục Kon Tum

 

 

Qua quá trình hình thành và phát triển, hiện nay giáo phận Kon Tum có khoảng 300 ngàn giáo dân; 151 chức sắc; khoảng 400 nữ tu; 179 cơ sở tôn giáo; 84 giáo xứ; 14 giáo họ. Riêng tỉnh Kon Tum có 171.674  giáo dân; 76 chức sắc, 221 nhà tu hành là nữ tu của đạo Công giáo; 105 cơ sở tôn giáo  và có 31 giáo xứ đã được công nhận. Riêng về Giám mục phụ trách Giáo phận Kon Tum, đến nay đã trải qua thời kỳ phụ trách của 07 Giám mục.

    2. Đối với đạo Phật

    Theo các nguồn tài liệu để lại, những năm 1930, Hòa thượng Tăng Cang Lê Tế, Pháp hiệu Từ Vân là vị tổ sư đầu tiên của đạo Phật đến với tỉnh Kon Tum. Trong những ngày đầu còn gặp nhiều khó khăn, được sự giúp đỡ của ông Quảng Đạo Võ Chuẩn, đạo Phật đã xây dựng được ngôi chùa đầu tiên tại vùng đất gò đồi trên địa bàn nội thị Kon Tum (nay là chùa Bác Ái, thuộc phường Quang Trung, thành phố Kon Tum). Lúc đầu, đây chỉ là một am miếu nhỏ có tên là Linh Sơn tự - nơi để thờ cúng các cô hồn theo truyền thống, phong tục của người Việt.

       Từ những năm 1940 đến 1950, đạo Phật ngày càng phát triển mở rộng ra các khu vực vùng ven thành phố Kon Tum. Đến năm 1958, chùa Hồng Từ (nay thuộc phường Quyết Thắng, thành phố Kon Tum) đã được xây dựng và sau đó là hàng loạt các ngôi chùa được xây dựng nối tiếp để phục vụ nhu cầu sinh hoạt tôn giáo cho tín đồ phật tử như: chùa Trung Khánh xây dựng năm 1954; chùa Hoa Nghiêm xây dựng năm 1959; chùa Phước Huệ xây dựng năm 1960; chùa Trung Thành, chùa Huệ Quang xây dựng năm 1962; tịnh xá Ngọc Hạnh xây dựng năm 1963; tịnh xá Ngọc Thọ xây dựng năm 1966....

     Trong buổi đầu phát triển tại tỉnh Kon Tum, do điều kiện chiến tranh nên Phật giáo tỉnh Kon Tum chưa có sự hợp nhất toàn diện với Phật giáo các tỉnh trong cả nước. Mãi đến năm 1959, Tổng hội Phật giáo Kon Tum mới được thành lập và trực thuộc Tổng hội Phật giáo trung phần. Sau giải phóng năm 1975, tỉnh Kon Tum được sáp nhập với tỉnh Gia Lai và Ban Trị sự lâm thời của Phật giáo tỉnh Gia Lai - Kon Tum mới được thành lập. Sau khi tỉnh Kon Tum được tách ra khỏi tỉnh Gia Lai (tháng 10/1991), ngày 10/9/1995, UBND tỉnh Kon Tum đã có quyết định công nhận Ban Trị sự lâm thời Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Kon Tum và Ban Trị sự lâm thời Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Kon Tum hoạt động theo Hiến chương của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

    Ngày 10/12/1995, Đại hội Đại biểu Phật giáo tỉnh Kon Tum lần thứ nhất chính thức họp và bầu ra Ban Trị sự gồm 15 thành viên. Đến nay, Phật giáo tỉnh Kon Tum đã trải qua 05 kỳ đại hội, cụ thể: năm 2002 tổ chức Đại hội Phật giáo tỉnh nhiệm kỳ II (2002-2007) và bầu 31 thành viên tham gia Ban Trị sự; năm 2007, tổ chức Đại hội Phật giáo tỉnh nhiệm kỳ III (2007-2012) và bầu 32 thành viên tham gia Ban Trị sự; năm 2012, tổ chức Đại hội Phật giáo tỉnh nhiệm kỳ IV (2012-2017) và bầu 31 thành viên tham gia Ban Trị sự;  tháng 6/2017, tổ chức Đại hội Phật giáo tỉnh nhiệm kỳ V (2017-2022) và bầu 39 thành viên tham gia Ban Trị sự. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 30 cơ sở thờ tự của đạo Phật với 27.721 tín đồ đang sinh hoạt và có 40 chức sắc Phật giáo.

 

 

Chùa Huệ Chiếu - Văn phòng Ban Trị sự  GHPG Việt Nam tỉnh Kon Tum

 

3. Đối với đạo Tin lành

          Năm 1959, các nhà truyền giáo từ Trung tâm Đà Nẵng đến Kon Tum để giảng đạo nhưng gặp nhiều khó khăn vì thiếu người am hiểu về phong tục tập quán, ngôn ngữ của đồng bào DTTS. Đến tháng 02/1960, ông bà Nguyễn Văn Tửu đến giảng đạo cho người Jẻ Triêng, Xê Đăng, Hà Lăng ở làng Đăk Sút (nay thuộc xã Đăk Kroong, huyện Đăk Glei). Mấy tháng sau, một bác sĩ người nước ngoài tên Harverson và ông Doy Spragett từ Hồng Kông đến huyện Đăk Glei để truyền đạo nhưng chỉ được 03 tuần đã chuyển về Ba Tơ (tỉnh Quảng Ngãi) vì nhà ở của họ bị một người lạ mặt đốt cháy.

          Trong thời gian này (năm 1960), Đại hội đồng Hội thánh Tin lành Việt Nam (miền Nam) được tổ chức và đã có quyết định thành lập địa hạt Thượng du cho các dân tộc ở khu vực Tây Nguyên; theo sự phân công của Hội thánh Trung ương thì ông Nguyễn Văn Tửu phụ trách khu vực Đăk Sút; ông Trí - Hạnh phụ trách khu vực xã Đăk Choong thuộc huyện Đăk Glei; ông Phạm Minh Ân phụ trách ở Đăk Glei.  Về sau, do quá trình di dân nên đạo Tin lành đã mở rộng đến vùng có người Kinh sinh sống ở nội thị Kon Tum và các vùng lân cận khác.

          Trong những buổi đầu, chỉ có 05 hệ phái Tin lành du nhập đến Kon Tum (hệ phái Tin lành Truyền giáo Cơ đốc; Tin lành Việt Nam (miền Nam); Tin lành Cơ đốc Liên hữu; Tin lành Bắp tít và Cơ đốc Phục Lâm An thất nhật); các hệ phái Tin lành này đến Kon Tum cùng một thời điểm vào những năm 1950, 1960; trong khi các hệ phái: Tin lành Việt Nam (miền Nam), Tin lành Cơ đốc Liên hữu, Tin lành Bắp tít và Cơ đốc Phục Lâm An thất nhật tập trung phát triển tín đồ tại khu vực thành phố Kon Tum thì hệ phái Tin lành Truyền giáo Cơ đốc Việt Nam lại phát triển tín đồ tại khu vực huyện Đăk Glei.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 14 hệ phái Tin lành (gồm: Tin lành Việt Nam miền Nam; Truyền giáo Cơ đốc Việt Nam; Liên hữu Cơ đốc; Trưởng Lão; Giáo hội Bắp tít Việt Nam; Menonite; Cơ đốc Phục Lâm; Bắp tít Liên hiệp; Liên đoàn Truyền giáo Phúc âm; Giám lý Liên hiệp; Liên hiệp Truyền giáo; Truyền giảng Phúc âm; Phúc âm đời đời; Bắp tít Lutheran) với tổng số tín đồ tin theo là 18.753 người; có 03 sở tôn giáo (trong đó Tin lành Việt Nam (miền Nam) 02 cơ sở; Tin lành Truyền giáo Cơ đốc 01 cơ sở); có 121  chức sắc (trong đó Tin lành Việt Nam (miền Nam) có 03 chức sắc; Tin lành Cơ đốc Phục Lâm có 01 chức sắc; Tin lành Trưởng Lão 02 chức sắc, Giáo hội Bắp tít Việt Nam 07 và Tin lành  Truyền Giáo Cơ Đốc 108  chức sắc); có 104 điểm của các hệ phái Tin lành đã được UBND cấp xã xem xét, giải quyết cho đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung và có 14 “nhóm” Tin lành chưa được đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung và đang sinh hoạt tại gia.

 

(nhà thờ Chi hội Đăk Ruồng, hệ phái Tin lành Việt Nam (miền Nam)

4. Đối với đạo Cao đài

          Tại Kon Tum, hiện có 04 hệ phái Cao đài, gồm: Cao đài Tây Ninh, Cao đài Cầu kho Tam Quan, Cao đài Truyền giáo và Cao đài Minh Chơn Lý với tổng số tín đồ 474 người; có 02 cơ sở tôn giáo và 10 chức sắc của các hệ phái Cao đài. Trong 04 hệ phái trên, mỗi hệ phái có một một quá trình hình thành và phát triển khác nhau trên địa bàn tỉnh Kon Tum, cụ thể:

          Đối với hệ phái Cao đài Tây Ninh: hệ phái này đến Kon Tum vào những năm 30 của thế kỷ XX. Đến những năm 1937-1938, hệ phái này phát triển mạnh trên địa bàn tỉnh, nhất là vùng Đăk Tô - Tân Cảnh. Năm 1966, đạo hữu của hệ phái Cao đài Tây Ninh viết đơn gửi chính quyền đương thời để xin xây dựng thánh thất làm nơi sinh hoạt tôn giáo cho đạo hữu và đã được chấp thuận. Năm 1972, trong một cuộc giao chiến giữ quân đội ta với Mỹ ngụy, thánh thất của hệ phái Cao đài Tây Ninh tại Đăk Tô - Tân Cảnh đã bị bom mỹ ném sập, từ đó do không còn nơi sinh hoạt nên tín đồ phân tán, có người ở lại vùng Đăk Tô - Tân Cảnh, có người về quê cũ sinh sống.

          Tại thành phố Kon Tum, năm 1962, bà con tín hữu hệ phái Cao đài Tây Ninh đã quyên góp tiền để xây dựng một ngôi Thánh thất tại nội thành Kon Tum tại số 43  đường Hùng Vương để làm nơi sinh hoạt tôn giáo. Đến nay, đây là ngôi Thánh thất duy nhất còn lại trong số các cơ sở thờ tự của hệ phái Cao đài Tây Ninh trên địa bàn tỉnh Kon Tum. Hiện số tín đồ của hệ phái này có khoảng gần 300 đạo hữu và có 08 chức sắc (trong đó có 01 chức sắc phẩm Giáo hữu; 07 chức sắc phẩm Lễ sanh) đang hoạt động tôn giáo trên địa bàn tỉnh.

 

 

Thánh thất Cao đài Tây Ninh tại Kon Tum

         

         

          Đối với hệ phái Cao đài Cầu kho Tam Quan: Hệ phái này đến Kon Tum vào những năm 40 của thế kỷ XX. Mặc dù đây là hệ phái có tổ chức bề thế hơn so với các hệ phái Cao đài khác ở nước ta song lại không phát triển mạnh tại tỉnh Kon Tum như hệ phái Cao đài Tây Ninh.

          Trong thời kỳ đầu, hệ phái này do ông Nguyễn Tuân (nay ông Nguyễn Tuân đã được phong phẩm Lễ sanh) phụ trách. Đến năm 2006, xét nhu cầu của hệ phái, UBND tỉnh Kon Tum đã xem xét, chấp thuận cho hệ phái Cao đài Cầu kho Tam Quan được thành lập tổ nghi lễ gồm 04 thành viên để lo việc quan, hôn, tang tế cho đạo; Tổ nghi lễ mượn nhà riêng của ông Lê Hòa (số 45 đường Ngô Sĩ Liên,  phường Duy Tân, TP Kon Tum) để làm nơi sinh hoạt tạm thời của đạo. Đến năm 2011, để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tôn giáo của đạo hữu, UBND tỉnh đã chấp thuận cho Tổ nghi lễ hệ phái Cao đài Cầu kho Tam Quan được xây dựng thiên bàn tại xã Hòa Bình, thành phố Kon Tum để làm nơi sinh hoạt tôn giáo. Hiện số đạo hữu của hệ phái này có khoảng gần 200 người và có 02 chức sắc (phẩm Lễ sanh) đang hoạt động tôn giáo trên địa bàn tỉnh.

          Đối với hệ phái Cao đài Truyền giáo: hệ phái này đến Kon Tum vào năm 1969; thời điểm mới du nhập và phát triển đến tỉnh Kon Tum, đây chỉ là một xã đạo trực thuộc và sinh hoạt tại thánh thất trung Hội, tỉnh Gia Lai; số lượng đạo hữu ban đầu của hệ phái là 120 người, sinh hoạt tại nhà ông Đào Huyền từ năm 1969 đến năm 1987; sau khi ông Đào Huyền chết, đạo hữu dời về nhà ông Trần Cấp (tại số 09 đường Trần Nhân Tông, thành phố Kon Tum) để sinh hoạt tôn giáo từ năm 1988 đến năm 2010.

          Sau khi được UBND tỉnh chấp thuận cho hệ phái Truyền giáo được thành lập cơ sở đạo tại tỉnh Kon Tum và chấp thuận cho thành lập Ban Trị sự cơ sở đạo với 06 thành viên, do lễ sanh Huỳnh Văn Phê làm Trưởng ban, đạo hữu của hệ phái đã chuyển về sinh hoạt tại nhà bà Huỳnh Thị Bốn (đường Nguyễn Thiện Thuật, phường Duy Tân, thành phố Kon Tum). Trong những năm qua, số lượng tín đồ của hệ phái phát triển không nhiều, chủ yếu là phát triển thông qua tăng trưởng tự nhiên; hiện số lượng tín đồ của hệ phái có khoảng gần 100 người.

          Đối với hệ phái Cao đài Minh Chơn lý: đây là hệ phái đã được công nhận tư cách pháp nhân ở cấp Trung ương. Tuy nhiên tại tỉnh Kon Tum chỉ có 03 hộ gia đình theo hệ phái này nên hiện số đạo hữu của hệ phái chỉ sinh hoạt tôn giáo tại gia đình.

           

            Mặc dù mỗi một tôn giáo có một lịch sử hình thành và phát triển khác nhau, song nhìn chung trong những năm qua chức sắc, tín đồ các tôn giáo đã luôn phát huy, thực hiện tốt phương châm "tốt đời, đẹp đạo";  chấp hành  đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về các lĩnh vực của đời sống xã hội nói chung về tín ngưỡng tôn giáo nói riêng; thực hiện các hoạt động, sinh hoạt tôn giáo tuân thủ quy định của pháp luật, hiến chương, nội quy của giáo hội; tích cực tham gia các hoạt động từ thiện, nhân đạo và các phong trào thi đua yêu nước do địa phương phát động.

 

 

NGỌC ANH
Số lượt xem:4738
Bài viết liên quan:
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ BAN TÔN GIÁO TRỰC THUỘC SỞ NỘI VỤ TỈNH KON TUM
Chịu trách nhiệm nội dung:  Ông Vũ Quang Dũng - Trưởng ban Tôn giáo
Quản lý và nhập thông tin: Ban Tôn giáo trực thuộc Sở Nội vụ tỉnh Kon Tum.
Địa chỉ: Tầng 7 - Tòa nhà A, Trung tâm Hành chính tỉnh Kon Tum, tổ 7, phường Thống Nhất, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum;
Email: bantongiaosnvkt@gmail.com; SĐT: 02603.915.156

 

2609 Tổng số người truy cập: 23 Số người online:
Phát triển:TNC