banner
Thứ 5, ngày 28 tháng 3 năm 2024
public Liên kết website

 

MỘT VÀI NÉT ĐẶC TRƯNG TRONG LỄ HỘI TÍN NGƯỠNG VÙNG ĐỒNG BÀO DTTS Ở KON TUM HIỆN NAY
1-2-2021

      Song song với các sinh hoạt, hoạt động của các tôn giáo thì trên địa bàn tỉnh Kon Tum còn có hoạt động của các cơ sở tín ngưỡng, lễ hội tín ngưỡng. Thực tế cho thấy, có nơi lễ hội tín ngưỡng, hoạt động tín ngưỡng gần như ăn sâu trong ký ức cộng đồng dân cư, không dễ phai mờ.

    Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Kon Tum có 08 cơ sở tín ngưỡng, trong đó: 04 cơ sở tín ngưỡng đã được công nhận di tích lịch sử, văn hóa cấp tỉnh, gồm:  (1) Đình Trung Lương (đường Phan Đình Phùng, phường Quyết Thắng) (2) Đình Võ Lâm (đường Nguyễn Thái Học, phường Quyết Thắng); (3) Đình Lương Khế (phường Thống Nhất, thành phố Kon Tum); (4) Điện Thánh Mẫu (phường Quyết Thắng, thành phố Kon Tum); Điện Thánh Mẫu (phường Quyết Thắng, thành phố Kon Tum); 04 cơ sở chưa được xếp hạng di tích, gồm: (1) Thanh Minh Nghĩa Tự hay còn gọi là Dinh Cô hồn (phường Thống Nhất, thành phố Kon Tum); (2) Đình xóm Huế (phường Quyết Thắng, thành phố Kon Tum); (3) Am Xóm Lưới (phường Thắng Lợi, thành phố Kon Tum); (4) Am bà Tân Phú (xã Hòa Bình, thành phố Kon Tum).

    Các cơ sở tín ngưỡng thường tổ chức các hoạt động (lễ Tế xuân, tết Thanh Minh, tết Đoan Ngọ…) vào tháng 2, tháng 3 Âm lịch hàng năm với quy mô từ 100-200 người tham dự. Nội dung tổ chức: Thờ cúng Thánh mẫu, Thành Hoàng làng, các bậc tiền bối, tôn vinh những người có công với đất nước, với cộng đồng…Nội dung và hình thức các lễ hội được thực hiện theo phong tục, tập quán, bản sắc văn hóa; không có hiện tượng mê tín dị đoan.

      

         Đình Lương Khế                                   

   

    Đình Trung Lương

       Bên cạnh các cơ sở tín ngưỡng, trên địa bàn tỉnh còn có nhiều lễ hội tín ngưỡng trong vùng đồng bào DTTS (như lễ hội mừng lúa mới, lễ hội giọt nước, lễ hội đâm trâu, lễ bỏ mả cho người đã khuất…). Những lễ hội này gắn với đặc điểm, phong tục, tập quán, trình độ phát triển dân trí, bản sắc văn hóa của từng dân tộc; do đó không chỉ tạo ra sự đa dạng trong văn hóa của địa phương mà còn tạo ra sự đa dạng trong lễ hội, hoạt động tín ngưỡng; làm nên giá trị tinh thần, tạo ra bản sắc và văn hóa lâu bền của từng dân tộc. Tín ngưỡng trong vùng đồng bào DTTS thường tập trung thành 04 nhóm tín ngưỡng như sau:

      (1) Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên: là việc thực hiện lễ nghi thờ cúng tổ tiên, gia tộc, dòng họ, trưởng họ. Đây là một loại hình tín ngưỡng cơ bản và phổ biến không chỉ đối với dân tộc kinh mà còn có trong một số dân tộc thiểu số ở nước ta nói chung, Kon Tum nói riêng.

     (2) Tín ngưỡng vòng đời người. Tín ngưỡng và nghi lễ của loại hình này liên quan đến sự sinh nở, thờ cúng ông tơ bà nguyệt, thờ bản mệnh, lễ tang ma, thờ cúng người chết…

      (3) Tín ngưỡng nghề nghiệp: là thờ cúng nông nghiệp, thờ tổ nghề, thờ thần tài…

      (4) Tín ngưỡng thờ thần như thờ anh hùng dân tộc, thờ thổ thần, sơn thần, thủy thần…

      Với bức tranh khái quát về loại hình tín ngưỡng như trên cho thấy, hoạt động, lễ hội tín ngưỡng trong vùng đồng bào DTTS ở Kon Tum cũng diễn ra hết sức sôi động. Vậy đặc trưng của các  lễ hội, hoạt động tín ngưỡng trên địa bàn tỉnh là gì.

       Thứ nhất: Tính cộng đồng của lễ hội

      Trong các lễ hội, con người có những quan hệ thân mật và giao tiếp với nhau, được tái sinh bằng sự tái hòa nhập với cộng đồng. Có lễ hội, những quan hệ tư tưởng cũ được đổi mới theo hướng tích cực. Thông qua các lễ hội, tình làng ngĩa xóm càng được gắn kết bền chặt.

     Có nhiều lễ hội, hàm nghĩa sâu xa không chỉ dừng lại ở cảm quan về thời gian mà còn thể hiện về không gian; không gian lễ hội thực chất là đổi mới không gian thông thường thành không gian văn hóa đặc biệt để thu hút mọi người tham gia vì khi tổ chức lễ hội không gian sẽ trở lên vui tươi, sôi nổi và thiêng liêng.

         

                    Lễ hội Mừng lúa mới của người Ê Đê

      Thứ hai: Tính linh thiêng

      Muốn hình thành một lễ hội, bao giờ cũng phải tìm ra được một lý do mang tính "thiêng" nào đó. Lễ hội trong vùng đồng bào DTTS lại càng thể hiện tính linh thiêng đậm nét hơn. Khi tổ chức lễ hội họ tin vào các đấng siêu nhiên, thần thánh sẽ phù hộ cho họ sống tốt hơn, ngày càng giàu có hơn, vượt qua khó khăn trong cuộc sống. Cũng chính tính "Thiêng" ấy đã trở thành chỗ dựa tinh thần cho nhân dân trong những thời điểm khó khăn, cũng như tạo cho họ những hy vọng vào điều tốt đẹp sẽ đến.

     Ví dụ như ở Kon Tum, nhiều DTTS xem Yàng như một vị thần có mọi quyền lực chi phối đến con người, là nơi trừng phạt cũng như làm phúc cho bất kỳ một người nào. Các dân tộc tuy cùng chung một khái niệm Yàng nhưng mỗi nơi có một cách nói, thờ cúng khác nhau, như: Người Xê Đăng coi trọng nhất là ông trời, thần sấm sét hay thần lúa. Người Ba Na lại xem trọng những vị thần sáng tạo ra vũ trụ và muôn loài; bên cạnh đó người Ba Na còn thờ kính các vị thần như thần nước, thần núi…Người Jrai cũng có rất nhiều thần linh được đồng bào coi trọng như thần nhà, thần làng, thần nước... vì họ quan niệm đó là những vị thần gần gũi với người dân có nhà ở, giúp người dân có nhà ở, bảo vệ mùa màng, làng mạc...

      Thứ ba: Tính địa phương

      Lễ hội được sinh ra và tồn tại đều gắn với một vùng đất nhất định. Bởi thế lễ hội ở vùng nào mang sắc thái của vùng đó. Tính địa phương của lễ hội chính là điều chứng tỏ lễ hội gắn bó rất chặt chẽ với đời sống của nhân dân, nó đáp ứng những nhu cầu tinh thần và văn hóa của nhân dân, không chỉ ở nội dung lễ hội mà còn ở phong cách của lễ hội nữa. Phong cách đó thể hiện ở lời văn tế, ở trang phục, kiểu lọng, kiểu kiệu, kiểu cờ, ở lễ vật dâng cúng, kiểu trang phục mặc trên người...

     Ví như khi nói về lễ bỏ mả thì cách thức, lễ nghi của người Ê Đê sẽ khác người Ba Na, cụ thể như: theo phong tục của người Ê đê, từ một năm trở lên (có khi ba đến năm năm, hoặc lâu hơn nữa), người chết (hồn chính) được tiễn đi một chuyến vĩnh viễn về buôn của người chết để có khả năng phục sinh, nhập vào cơ thể sống khác song người chết phải còn thân xác nguyên vẹn thì mới được làm lễ bỏ mả. Song với người Ba Na thì lễ bỏ chứng tỏ người sống đã có thể cắt đứt mọi quan hệ tình thân với người chết sau mấy năm chịu tang, về sau nếu không còn cúng giỗ cũng không ai khiển trách; lễ được tiến hành vào mùa khô, từ tháng Chạp đến tháng Tư năm sau.

                            

                                  Lễ bỏ mả của người Ba Na                         

    

Lễ bỏ mả của người Ê đê

           Thứ tư: Thể hiện nghệ thuật diễn xướng

         Có thể nói rằng, trong các cuộc lễ ở vùng đồng bào DTTS, toàn bộ lễ hội như một sân khấu đặc biệt. Tại sân khấu này, có ba nhân vật chính; một nhân vật là ông Thầy cúng (được xem như người chủ lễ) người có khả năng thông qua các Thần linh, hoặc được thần linh nhập vào để dẫn lễ; nhân vật thứ hai là quần chúng nhân dân, những người có tín ngưỡng và nhân vật thứ ba tuy không xuất hiện nhưng lại có vai trò rất quan trọng trong Lễ hội đó là các Thần linh, đối tượng thờ cúng của các Lễ hội.

         Thứ năm: mang tính nghệ thuật tạo hình và trang trí

         Nghệ thuật tạo hình và trang trí tồn tại trong Lễ hội như một yếu tố tất yếu. Trong lễ hội người chủ lễ và người tham dự chú trọng đến cách ăn mặc; lối ăn mặc khi dự lễ khác với trang phục thường ngày. Bên cạnh đó cách bài trí tại khu vực tổ chức lễ hội cũng mang nét đặc sắc, riêng có, thể hiện đúng tính chất của lễ hội và mang đậm bản sắc của vùng miền.

        Từ việc tìm hiểu trên cho thấy, giá trị của lễ hội trong vùng đồng bào DTTS ở Kon Tum cũng phản ánh chính văn hóa dân tộc và cũng đã góp phần phát huy giá trị tín ngưỡng, văn hóa của đất nước. Do đó các lễ hội tín ngưỡng mang những giá trị tích cực sẽ tiếp tục được giữ gìn, phát huy để làm văn phú thêm lễ hội tín ngưỡng của nước ta.

 

Ngọc Anh
Số lượt xem:2504
Bài viết liên quan:
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ BAN TÔN GIÁO TRỰC THUỘC SỞ NỘI VỤ TỈNH KON TUM
Chịu trách nhiệm nội dung:  Ông Vũ Quang Dũng - Trưởng ban Tôn giáo
Quản lý và nhập thông tin: Ban Tôn giáo trực thuộc Sở Nội vụ tỉnh Kon Tum.
Địa chỉ: Tầng 7 - Tòa nhà A, Trung tâm Hành chính tỉnh Kon Tum, tổ 7, phường Thống Nhất, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum;
Email: bantongiaosnvkt@gmail.com; SĐT: 02603.915.156

 

2609 Tổng số người truy cập: 37 Số người online:
Phát triển:TNC