banner
Thứ 7, ngày 27 tháng 4 năm 2024
public Liên kết website

 

Khái quát về Hội Truyền giáo Cơ đốc Việt Nam ở nước ta và tại tỉnh Kon Tum
25-5-2020

Hội Truyền giáo Cơ đốc Việt Nam là tổ chức hoàn toàn độc lập với các tổ chức Tin lành khác trong nước; về mô hình tổ chức có 2 cấp: Trung ương (Tổng hội) và Hội thánh cơ sở. Phạm vi hoạt động chủ yếu ở các tỉnh duyên hải miền Trung và Tây Nguyên, như Quảng Ngãi, Đà Nẵng, Kon Tum, Gia Lai, Đăk Lăk…

 

Theo thống kê của Ban Tôn giáo Chính phủ, ở Việt Nam hiện có trên một triệu tín đồ đạo Tin lành với gần 100 tổ chức, hệ phái, nhóm Tin lành khác nhau, hiện nay có 13 tổ chức Tin lành đã được Nhà nước công nhận và cấp đăng ký hoạt động tôn giáo.

Hội Truyền giáo Cơ đốc Việt Nam thành lập ngày 1/9/1956, do một số mục sư, truyền đạo vốn là thành viên sáng lập nên Hội Thánh Tin lành Việt Nam trước đây (nay là Hội thánh Tin lành Việt Nam – Miền Nam); trong đó có Mục sư Gordor Smith - nguyên là giáo sỹ của Hội Liên hiệp Phúc âm Truyền giáo (CMA). Trước năm 1975, Hội Truyền giáo Cơ đốc Việt Nam được tổ chức Chiến dịch truyền bá Phúc âm toàn cầu (World wide Evangelization Crusade - WEC) ở Anh và tổ chức Hội Truyền giáo thế giới thống nhất (United World Mision - UWM) ở Mỹ hỗ trợ, Hội Truyền giáo Cơ đốc Việt Nam phát triển mở rộng ra các tỉnh duyên hải miền Trung và Tây Nguyên. Theo thống kê của Ban Tôn giáo Chính phủ, năm 1975, Hội Truyền giáo Cơ đốc Việt Nam có trên 16 ngàn tín đồ, hơn 30 mục sư, truyền đạo người Việt Nam và 11 giáo sỹ người nước ngoài, 35 Hội thánh cơ sở, 20 cơ sở văn hóa xã hội (trong đó có 17 Hội thánh cơ sở với khoảng 12 ngàn tín đồ là người dân tộc thiểu số). Sau năm 1975, do hậu quả của chiến tranh và sự rút lui của các giáo sỹ người nước ngoài cũng như 02 tổ chức truyền giáo quốc tế, hoạt động của Hội Truyền giáo Cơ đốc Việt Nam không rõ nét. Hầu hết các cơ sở thờ tự bị chiến tranh tàn phá, tín đồ chủ yếu sinh hoạt tại gia.

Sau khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, hoạt động của Hội Truyền giáo Cơ đốc Việt Nam từng bước được khôi phục và phát triển mạnh, nhiều điểm nhóm sinh hoạt tôn giáo mới được hình thành, chủ yếu vẫn trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên.

Do hoạt động tôn giáo thuần túy, tuân thủ pháp luật, năm 2006 Hội Truyền giáo Cơ đốc Việt Nam được Ban Tôn giáo Chính phủ cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo. Sau một năm hoạt động, từ ngày 17/9 đến ngày 19/9/2007, tại Đà Nẵng Hội Truyền giáo Cơ đốc Việt Nam đã tổ chức Đại hội đồng lần thứ nhất (lần thứ 14 theo lịch sử giáo hội), Đại hội đã bầu ra Ban Trị sự Tổng hội gồm 11 thành viên do Mục sư Nguyễn Tợi làm Tổng hội trưởng. Trên cơ sở kết quả Đại hội đồng, Hội Truyền giáo Cơ đốc Việt Nam đã hoàn chỉnh hồ sơ đề nghị Chính phủ công nhận về mặt tổ chức theo quy định của pháp luật. Ngày 22/10/2007, Ban Tôn giáo Chính phủ đã ban hành Quyết định số 175-QĐ/TGCP công nhận tổ chức đối với Hội Truyền giáo Cơ đốc Việt Nam, đây là tổ chức Tin lành đầu tiên được Nhà nước công nhận theo quy định của Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo. Từ đó đến nay, Hội Truyền giáo Cơ đốc Việt Nam hoạt động theo đường hướng tiến bộ: “Sống Phúc âm, phụng sự Thiên Chúa, phụng vụ Tổ quốc và Dân tộc”. 

Qua quá trình phát triển, đến nay Hội Truyền giáo Cơ đốc Việt Nam đã có hơn 28.000 tín đồ; 17 hội thánh cơ sở được chính quyền địa phương chấp thuận thành lập;   93 mục sư, 181 truyền đạo, 83 truyền đạo tình nguyện, 02 mục sư hưu trí, 18 mục sư, truyền đạo quả phụ; 17 nhà thờ; 194 điểm sinh hoạt tôn giáo tập trung, trong đó có 175 điểm đã được chính quyền cấp đăng ký sinh hoạt, hoạt động ở 14 tỉnh, thành phố trên cả nước.

 

Lễ khởi công xây dựng trụ sở Trung ương Giáo hội Hội Truyền giáo

Cơ đốc Việt Nam tại thành phố Đà Nẵng (ảnh minh họa)

Sau khi được công nhận về tổ chức, Hội Truyền giáo Cơ đốc Việt Nam đã trải qua bốn kỳ Đại hội đồng lần lượt qua các năm: Đại hội đồng lần thứ nhất vào năm 2007 (nhiệm kỳ 2007-2011); Đại hội đồng lần thứ II vào năm 2011 (nhiệm kỳ 2011-2015); đại hội đồng lần III vào năm 2015 (nhiệm kỳ 2015-2019) và đại hội lần thứ IV vào năm 2019 (nhiệm kỳ 2019-2023). Hiện nay, Mục sư Nguyễn Quang Đức được bầu làm Mục sư Tổng hội trưởng Hội Truyền giáo Cơ đốc Việt Nam nhiệm kỳ IV (2019-2023).

Tại tỉnh Kon Tum, Hội Truyền giáo Cơ đốc Việt Nam có khoảng 16.000 tín đồ (trong đó có hơn 15.000 tín đồ người DTTS); 108 chức sắc (gồm 47 Mục sư và 61 Truyền đạo); 62 điểm sinh hoạt tôn giáo tập trung (trong đó 56 điểm nhóm đã đăng ký, 06 điểm sinh hoạt tại gia); 02 hội thánh (gồm Hội thánh Kon Tum có địa bàn hoạt động tại các huyện Sa Thầy, Đăk Hà, Đăk Tô, Ngọc Hồi và thành phố Kon Tum và Hội thánh Đăk Glei có địa bàn hoạt động tại huyện Đăk Glei và Tu Mơ Rông); 01 cơ sở thờ tự đang xây dựng của Hội thánh Kon Tum.

Hội Truyền giáo Cơ đốc Việt Nam là một trong những tổ chức Tin lành hoạt động tôn giáo ổn định, tuân thủ pháp luật và đồng hành cùng dân tộc. Chức sắc, tín đồ Hội thánh tích cực tham gia các hoạt động từ thiện, nhân đạo, hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng nông thôn mới, giúp đỡ lẫn nhau trong lao động, sản xuất, phát triển kinh tế đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước.

LÊ ĐÀM
Số lượt xem:5619
Bài viết liên quan:
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ BAN TÔN GIÁO TRỰC THUỘC SỞ NỘI VỤ TỈNH KON TUM
Chịu trách nhiệm nội dung:  Ông Vũ Quang Dũng - Trưởng ban Tôn giáo
Quản lý và nhập thông tin: Ban Tôn giáo trực thuộc Sở Nội vụ tỉnh Kon Tum.
Địa chỉ: Tầng 7 - Tòa nhà A, Trung tâm Hành chính tỉnh Kon Tum, tổ 7, phường Thống Nhất, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum;
Email: bantongiaosnvkt@gmail.com; SĐT: 02603.915.156

 

2609 Tổng số người truy cập: 12 Số người online:
Phát triển:TNC