banner
Thứ 5, ngày 10 tháng 10 năm 2024
public Liên kết website

 

CÔNG ĐỒNG VATICĂN II - THỜI KỲ MỚI CỦA GIÁO HỘI CÔNG GIÁO
9-6-2020

Giữa thế kỷ XX, bên cạnh sự phát triển của Chủ nghĩa xã hội thì phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới bắt đầu bùng lên mạnh mẽ; đặc biệt sự phát triển của khoa học, kỹ thuật đã làm cho đời sống kinh tế, xã hội trên thế giới biến đổi sâu sắc. Trước tình hình đó, Giáo hội Công giáo ý thức rất rõ ràng về việc không thể làm cho xã hội phù hợp với điều kiện tôn giáo như trước đây thì tốt hơn hết là làm cho tôn giáo thích ứng với đời sống xã hội để kịp bước tiến của thế giới, để " không rơi vào sự cô lập - sự cô lập mà giáo hội có thể rơi vào". Đó chính là bối cảnh và cũng là nguyên nhân khách quan dẫn đến việc Giáo hội Công giáo triệu tập Công đồng Vatican  lần thứ 21.

          Theo cách hiểu chung nhất của đạo Công giáo, Công đồng là hội nghị gồm các Giám mục và các Chức vị trong giáo hội Công giáo chính thức nhóm họp với mục đích bàn thảo và quyết định những vấn đề thuộc về giáo lý, luật lệ, lễ nghi và đường hướng hoạt động của Giáo hội. Có hai loại Công đồng là: Công đồng chung (còn gọi là Công đồng phổ quát) - là hội nghị toàn thể Giám mục được triệu tập dưới thẩm quyền của Giáo hoàng; Công đồng riêng là hội nghị Giám mục của nhiều Giáo tỉnh dưới quyền chủ tọa của Xứ thần Tòa thánh. Đến nay, Giáo hội Công giáo đã tổ chức 21 Công đồng chung, Công đồng lần thứ 21 được triệu tập tại Vatican lần thứ hai nên được gọi là Công đồng Vatican II.

          Ngày 11/10/1962, sau 03 năm chuẩn bị, Giáo hoàng Gioan XXIII chính thức khai mạc và điều khiển Công đồng lần thứ 21 tại Vatican . Đến ngày 03/6/1963, Giáo hoàng Gioan XXIII qua đời, Giáo hoàng Phao-lô VI lên thay đã tiếp tục điều khiển Công đồng Vatican II. Công đồng Vatican II kéo dài hơn 03 năm và bế mạc vào ngày 08/12/1965.

         

(Giáo hoàng Gioan XXIII - Vị Giáo hoàng triệu tập Cộng đồng Vatican II)

          Tham dự Công đồng Vatican II có 3.093 vị, trong đó có 2.500 Giám mục, số còn lại là tu sĩ cao cấp làm bề trên của các dòng tu. Ngoài ra, Công đồng Vatican II còn mời thêm 106 đại biểu đại diện cho 29 giáo hội và công đồng Kitô giáo như: Chính thống giáo, Anh giáo, Tin lành...

                 (hình ảnh cuộc họp Công đồng Vatican II)

          Qua 168 phiên họp và có những nội dung được đưa ra tranh luận gay gắt, với 538 cuộc bỏ phiếu toàn phần hay từng phần, cuối cùng Công đồng Vatican II đã thông qua 16 văn kiện quan trọng với 04 Hiến chế, 09 Sắc chỉ và 05 Tuyên ngôn, cụ thể:

          1. Hiến chế về Phụng vụ thánh

          2. Hiến chế Tín lý về Giáo hội

          3. Hiến chế Tín lý về Mạc khải của Thiên chúa

          4. Hiến chế mục vụ về Giáo hội trong thế giới hôm nay

          5. Sắc chỉ về các phương tiện truyền thông xã hội

          6. Sắc chỉ về các Giáo hội Công giáo phương đông

          7. Sắc chỉ về hiệp nhất

          8. Sắc chỉ về nhiệm vụ mục vụ của các Giám mục

          9. Sắc chỉ về canh tân thích nghi đời sống dòng tu

          10. Sắc chỉ về đào tạo Linh mục

          11. Sắc chỉ về tông đồ Giáo dân

          12. Sắc chỉ về hoạt động truyền giáo

          13. Sắc chỉ về chức vụ và đời sống linh mục

          14. Tuyên ngôn về tự do tôn giáo

          15. Tuyên ngôn về Giám mục Kitô giáo

          16. Tuyên ngôn về liên lạc của Giáo hội Công giáo với các tôn giáo ngoài Kitô giáo.

          Sau này, dựa trên 16 văn kiện nói trên, Giáo hội Công giáo đã tiếp tục triển khai và bổ sung để hình thành đường hướng hoạt động cơ bản của mình, quen gọi là đường lối mới của Vatican hay còn gọi là đường lối thích nghi thời đại của Công đồng Vatican II. Sau đây xin khái quát một số nội dung chính của Công đồng Vatican II như sau:

          Một là: vấn đề giáo lý

          Nội dung đầu tiên của Công đồng Vatican II là khẳng định và nhấn mạnh những tín điều căn bản về giáo lý được ghi trong kinh thánh và những Nghị quyết của Công đồng chung như: Thiên Chúa ba ngôi, công cuộc cứu chuộc loài người của Chúa Giê-su, về vai trò thánh hóa Hội thánh của Chúa Thánh thần, về bà Ma-ri-a - mẹ Thiên Chúa trong màu nhiệm của Thiên Chúa và Giáo hội, về Nước trời và Hội thánh.

          Hai là: Vấn đề giáo hội

          Đây là nội dung lớn nhất, quan trọng nhất được bàn thảo nhiều nhất tại Công đồng Vatican II. Công đồng Vatican II đã đưa ra những định nghĩa theo các hình ảnh khác nhau của Kinh thánh rằng: Giáo hội là dân Thiên Chúa, là thân thể của Chúa Kitô, là Nước Thiên Chúa, là đền thờ của Chúa Thánh thần; rằng Giáo hội là gia đình chung toàn cầu gồm cộng đoàn giáo dân và giáo sĩ.

          Sau khi định nghĩa giáo hội, Công đồng Vatican II cho rằng "Giáo hội không thể tự vỗ ngực là thần thánh như trước đây mà phải hạ mình xuống, phải nói đến chuyện phục vụ con người, do đó phải đổi mới bộ mặt của giáo hội, làm tươi trẻ lại các cơ cấu và đem lại nhựa sống cho thân thể xem ra đã già nua của giáo hội..".

          Vì vây, Công đồng Vatican II chủ trương Giáo hội đi theo hướng đối thoại và nhập thế, tức là phải hiểu rõ nguyện vọng của con người, phải là những vòng tròn đồng tâm cắm rễ vào đời sống xã hội. Công đồng Vatican II còn cho rằng muốn nhập  thế một cách sôi động như Chúa Kitô xưa thì phải không ngừng canh tân và cải tổ; phải hiệp thông trong các lĩnh vực thế tục cũng như các hoạt động tôn giáo. Văn kiện của Công đồng Vatican II nêu rõ "Giáo hội của Chúa Kitô chỉ nhằm một mục đích tiến hành sự thôi thúc của tinh thần an ủi... Đó cũng là công trạng của Chúa Kitô đến cứu rỗi chứ không phải là đi cai trị và phạt vạ, đi hầu hạ chứ không phải bắt ai hầu hạ.."

          Bên cạnh đó, một trong những nội dung quan trọng mà Công đồng Vatican II đề cấp đến đó là Giáo sĩ. Giáo sĩ theo Công đồng Vatican II không phải là công chức giáo triều mà phải tham dự tích cực và năng động vào các hoạt động xã hội để hoàn thành sứ mệnh của mình. Văn kiện của Công đồng Vatican II nói rõ "Giám mục không phải bắt người hầu hạ mà đi hầu hạ người; Linh mục phải từ bỏ quyền lợi cá nhân, đừng tính toán dến quyền lợi riêng". Do đó cũng trong điều kiện mới, Công đồng Vatican II quy định cải tiến cách đào tạo linh mục, khôi phục chức Thầy sáu cố định đã được bỏ từ lâu và đề cao vai trò hoạt động của các tông đồ giáo dân.

          Ba là: Vấn đề lễ nghi

          Đây là vấn đề lớn đã từng tạo ra khoảng cách giữa đạo Công giáo với văn hóa tín ngưỡng của các dân tộc ở phương Đông. Do đó Công đồng Vatican II chủ trương cải tổ về lễ nghi, trong đó nhìn nhận và coi trọng những đặc điểm tâm lý, lối sống, phong tục, tập quán và tín ngưỡng truyền thống của mỗi dân tộc. Công đồng Vatican II cho phép được dùng tiếng mẹ đẻ thay cho tiếng La Tinh trong phụng tự; cải tổ, bỏ bớt thủ tục lễ bái phiền phức của các bậc chủ chăn; khôi phục lễ đồng tế cùng những sinh hoạt thờ tự như các giáo đoàn ban đầu.

          Bốn là: Vấn đề giáo dân và giáo dục Kitô giáo

          Công đồng Vatican II chủ trương đề cao và tăng cường vai trò giáo dân - các thành phần dân chúa, nhất là những người bình dân mà Giáo hội xác nhận có vai trò rất lớn trong đời sống xã hội, để họ được tham dự các hoạt động của Giáo hội một cách chủ động trên cơ sở đó lấy lại sự cân bằng giữa giáo dân và giáo hội.

          Công đồng Vatican II cũng rất quan tâm đến vấn đề giáo dục tinh thần Kitô giáo trong các thành phần dân Chúa, trong đó đối tượng được chú trọng hơn cả là Thanh thiếu niên - niềm hy vọng của giáo hội. Công đồng Vatican II cho rằng việc giáo dục tinh thần Kitô giáo là sự kết hợp chặt chẽ giữa trách nhiệm gia đình và giáo hội với nhiều hình thức và phương pháp khác nhau, trong đó lấy việc giáo dục bồi dưỡng giáo lý và khai thác các phương tiện thông tin đại chúng một cách hữu hiệu là phương tiện chính để giáo dục.

          Năm là: vấn đề tự do tôn giáo

          Tuy buộc tín đồ phải tuân thủ nghiêm ngặt các tín điều nhưng Công đồng Vatican II chủ trương tự do tôn giáo cho mỗi người; con người tự do tôn giáo không lệ thuộc vào bất cứ áp lực nào từ bên ngoài, dù là cá nhân, xã hội, một quyền lực tinh thần hay trần thế nào. Công đồng Vatican II nói rõ tín ngưỡng, tôn giáo là sự tự nguyện và phải xuất phát từ lương tâm. Người ta không thể cưỡng bách hành động sai trái lương tâm mình và cũng không bị cản trở khi hành động cho lương tâm mình.

          Sáu là: Vấn đề hôn nhân

          Trong hôn nhân, Công đồng Vatican II chủ trương hôn nhân phối hợp, tức là cho phép các tín đồ Công giáo được kết hôn với những người theo tôn giáo khác hoặc không có tôn giáo, miễn là phía bên kia để cho người bạn đời của mình tự do tín ngưỡng. Công đồng Vatican II cũng hủy bỏ phạt vạ tuyệt thông đối với những người Công giáo đã kết hôn với người ngoại đạo.

          Bảy là: Đối với các tôn giáo khác

          Trước đây Giáo hội cho rằng chỉ có đạo Công giáo là đạo thật, các tôn giáo khác chỉ là lạc giáo và hầu như không có quan hệ. Đến Công đồng Vatican II xác định chủ trương cởi mở, đối thoại trong tinh thần đoàn kết với các tôn giáo, trước hết là những tôn giáo cùng thờ Chúa Giê-su. Công đồng Vatican II cho rằng các tôn giáo khác đều có những cái hay cần phải tôn trọng.

          Tám là: đối với khoa học kỹ thuật.

          Công đồng Vatican II cho rằng khoa học kỹ thuật phù hợp với đức tin tôn giáo, rằng mọi việc đều do Thiên Chúa sắp xếp; các nhà khoa học phải gắn bó với tôn giáo, phải lấy Thiên Chúa làm trung tâm trong mọi việc nghiên cứu và phát minh khoa học. Công đồng Vatican II coi khoa học và tôn giáo như hai chị em vì nhờ có sự phát triển của văn hóa, khoa học, kỹ thuật mà đời sống được cải thiện vì "sự phát triển của khoa học kỹ thuật cũng để thực hiện và hoàn chỉnh chương trình mà Thiên chúa đã định... Văn hóa, khoa học, kỹ thuật phải kết hợp chặt chẽ với Kitô giáo".

          Tính từ thời điểm tổ chức Công đồng Vatican II đến nay đã 57 năm nhưng những nội dung cốt lõi, căn bản của Công đồng Vatican II hiện vẫn được Giáo hội Công giáo áp dụng và thực hiện. Và theo Giáo hội Công giáo thì Công đồng Vatican II  chính là cột mốc để thay đổi giáo hội cho Giáo hội thích ứng với đời sống xã hội./.   

NGỌC ANH
Số lượt xem:6893
Bài viết liên quan:
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ BAN TÔN GIÁO TRỰC THUỘC SỞ NỘI VỤ TỈNH KON TUM
Chịu trách nhiệm nội dung:  Ông Vũ Quang Dũng - Trưởng ban Tôn giáo
Quản lý và nhập thông tin: Ban Tôn giáo trực thuộc Sở Nội vụ tỉnh Kon Tum.
Địa chỉ: Tầng 7 - Tòa nhà A, Trung tâm Hành chính tỉnh Kon Tum, tổ 7, phường Thống Nhất, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum;
Email: bantongiaosnvkt@gmail.com; SĐT: 02603.915.156

 

2609 Tổng số người truy cập: 30 Số người online:
Phát triển:TNC